(Baoquangngai.vn)- Trong khi nhiều bà con nông dân đang dọn ruộng chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu thì tại nhiều chân ruộng cao, không chủ động được nước tưới, nhiều nông dân đã chủ động chuyển sang cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
TIN LIÊN QUAN
Nắng hầm hập, đánh hàng tỉa đậu phộng trên 1,5 sào ruộng khô khốc, anh Huỳnh Văn Minh ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh (Đức Phổ) nói: “Năm ngoái không có nước phải bỏ ruộng đi vào Nam kiếm sống, nay chẳng tội gì phải đi cho khổ. Không đủ nước làm lúa thì mình chuyển sang đậu phộng”.
Nói rồi anh Minh nhẩm tính, một sào đậu phộng nếu chăm sóc tốt khi thu hoạch được 100kg, thậm chí là 130kg đã phơi khô. Giá thị trường tại thời điểm này là 21.000-22.000 đồng/kg, vị chi mình có thể kiếm được từ 2,1 đến 2,7 triệu đồng, trừ chi phí cũng kiếm được phân nửa mà cũng đỡ tốn công chăm bón nhiều và lo thiếu nước.
Chị Trúc, láng giềng của anh Minh chen vào: “Từ xưa đến nay nông dân ở đây chưa quen trồng màu, quanh năm bám vào cây lúa. Giờ nước khan hiếm phải chuyển đổi cây khác rồi bán mua gạo ăn vẫn hơn bỏ đất hoang”.
Nhiều bà con nông dân đã toàn tâm, toàn ý chuyển sang cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả. |
Đi khắp các cánh đồng, nơi chân ruộng cao của huyện Đức Phổ, chúng tôi ghi nhận bà con nông dân đang làm đất xuống giống các loại cây trồng như đậu phộng, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, bắp… Ở những vùng nước hoàn toàn không đến được, bà con chọn cây mè để chuyển đổi.
Vụ hè thu này, theo tính toán của Phòng Nông nghiệp huyện Đức Phổ, toàn huyện có khoảng 200 ha cuối kênh có khả năng không đảm bảo nước tưới nếu sạ lúa, nên khuyến cáo chuyển sang cây trồng cạn. Nhận thức việc chuyển đổi cây trồng là giải pháp để đối phó với hạn hán, tăng nguồn thu nhập nên bà con nông dân đồng lòng chuyển đổi.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp, sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên diện tích đất lúa bấp bênh về nước không phải chỉ là vấn đề của Quảng Ngãi mà của cả nước.
Còn nhớ vụ hè thu 2013, toàn tỉnh có hơn 800ha bỏ trắng, nhiều diện tích gieo sạ đành cắt cho bò. Bỏ hoang rất phí, vì thế tốt nhất là chuyển sang cây trồng cạn, phải thích ứng với biến đổi khí hậu, không thể chống lại, cố chấp.
Trước nguy cơ khô hạn sẽ xảy ra khốc liệt nên vụ này, ngành nông nghiệp chủ động cắt giảm 3.000 ha đất canh tác lúa tại những vùng quá bấp bênh nước tưới để chuyển sang sản xuất một số loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt như bắp lai, đậu phụng, sắn... Ở những chân ruộng hoàn toàn không chủ động được nước nên chọn cây mè, như thế vẫn đảm bảo công ăn việc làm, có thu nhập cho nông dân.
Bà con không nên bất chấp, bám víu vào cây lúa để rồi chịu thiệt khi phải cắt cho bò ăn. |
Số diện tích dự kiến chuyển đổi chủ yếu nằm ở các khu vực cuối kênh hoặc không có công trình thủy lợi thuộc các xã phía nam huyện Đức Phổ, phía tây huyện Sơn Tịnh, phía tây và đông huyện Bình Sơn.
Ông Đào Minh Hường- Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, bà con không nên bám víu vào lúa. Trong thời điểm hết sức khó khăn về nguồn nước tưới thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất lúa thường xuyên bị khô hạn nghiêm trọng là yêu cầu bức thiết để nhà nông tránh thiệt hại.
Chuyển đổi phải đạt được 2 mục đích là thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường. Chúng ta không quá khó để tìm các cây trồng mới, để thay thế lúa. Nhiều công thức chuyển đổi giống cây trồng cho năng suất cao hơn lúa 2 vụ. Chẳng hạn như công thức luân canh của các mô hình đã mang lại hiệu quả cao như: lúa (đông xuân)- đậu phộng (hè thu) cho giá trị thu hoạch hơn 60 triệu đồng/năm; lúa (đông xuân)- bí hoặc cà chua hoặc khổ qua (hè thu) cho giá trị thu nhập hơn 160 triệu đồng/năm. Mì xen canh đậu xanh, đậu phộng để cải tạo đất.
Về thị trường, bà con không quá lo lắng cho đầu ra của các loại cây trồng này. Hiện nay, mỗi năm nước ta phải phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong số 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi tiêu thụ mỗi năm thì lượng nhập khẩu chiếm tới trên 70%, tương đương 9 triệu tấn. Thậm chí, hàng năm, số tiền nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn nhiều hơn giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo.
Để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, Bộ NN&PTNT khuyến khích đẩy mạnh sản xuất tại chỗ, mở rộng diện tích trồng đậu tương, bắp… trong nước để giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Liên quan đến việc chuyển đổi giống cây trồng, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo không nên trồng dưa hấu, ớt ồ ạt. Bởi việc buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc không có một cam kết cụ thể nào, họ thích thì mua, không thích thì thôi, dẫn đến thiệt thòi vẫn thuộc về nông dân. “Trong bối cảnh như hiện nay, bà con phải biết lắng nghe thị trường, không vì cái lợi trước mắt để rồi chịu thiệt”- ông Hường khuyến cáo.
Bài, ảnh: Ái Kiều