Mô hình nuôi chim bồ câu: Hiệu quả có, nhưng khó đầu ra

08:05, 13/05/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm gần đây, nhiều người ở huyện Mộ Đức đã triển khai thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp - đầu tư ít mà nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang đứng trước không ít khó khăn về vấn đề tiêu thụ.

Làm thử, ăn thiệt 
 
Đến thăm chuồng trại nuôi chim bồ câu của ông Lê Văn Bình (thôn 6, xã Đức Chánh), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô của nó. Chuồng trại thông thoáng, đủ ánh sáng, có mái che, có ổ cho chim đẻ trứng. Ấn tượng nhất là hình ảnh 1.000 cặp chim bồ câu Pháp khỏe mạnh được nuôi nhốt trong lồng, xếp thành các dãy dài. 
 
Nuôi bồ câu cực kỳ đơn giản so với nhiều mô hình kinh tế khác, vốn ít mà hiệu quả kinh tế rất cao.
Nuôi bồ câu đơn giản hơn so với nhiều mô hình kinh tế khác, vốn ít mà hiệu quả lại cao.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng chuồng trại, ông Bình tâm sự, cơ duyên đến với nghề này rất tình cờ. Chuyện là, trong một lần vào miền Nam chơi, ông được bạn bè mời đi ăn ở một số nhà hàng. Đến đâu ông cũng thấy có các món ăn liên quan đến chim bồ câu. Sau đó, ông hỏi thăm và đến một số nơi để tìm hiểu mô hình này.
 
Ban đầu, khi không có tiền mua chim giống, ông chỉ dám mua 100 cặp chim đang đẻ với giá 450.000đ/cặp nuôi thử. Đến nay, ông đã thành công ngoài mong đợi với hai trại nuôi chim bồ câu Pháp (mỗi trại 200m2) , số lượng lên đến 1.000 cặp.
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bình cho biết, bình quân mỗi tháng, ông thu lãi ít nhất 10 triệu đồng. Nguồn thu nhập này không chỉ giúp cuộc sống gia đình ông tốt lên mỗi ngày mà bốn người con trong gia đình đều được ăn học đến nơi, đến chốn. Trại nuôi bồ câu nhà ông còn là nơi học tập kinh nghiệm của nhiều người dân trong huyện. Hiện nay, ông đang tích lũy vốn để mở rộng thêm chuồng trại. 
 
Cùng thôn, xã với ông Lê Văn Bình, bà Ngô Thị Thanh cũng rất thành công với mô hình này từ 14 năm nay. Ban đầu bà chỉ mua thử 30 cặp bồ câu Pháp về nuôi. Hiện tại, trại nhà bà có tất cả 500 cặp, đó là chưa kể hơn một nửa đã chết sau trận lũ lớn năm ngoái.
 
Mỗi năm, trừ tất cả chi phí và chi tiêu cho cả gia đình, bà Thanh tích lũy ít nhất 50 triệu đồng. Điều làm bà thích nhất từ công việc này là khâu chăm sóc đơn giản, lãi nhiều và không mất quá nhiều thời gian. Do đó, bà không phải bôn ba, vất vả như những nghề từng làm trước đây và có nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc gia đình, bản thân.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, bà Thanh cho biết: “Nuôi chim bồ câu không khó, loại chim này có sức đề kháng rất tốt, ít khi bị bệnh. Chỉ cần chọn cho bồ câu chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Mỗi ngày cho chim ăn hai bữa, chủ yếu là cám tổng hợp, gạo lức để tránh bị bệnh về tiêu hóa và đảm bảo nguồn nước sạch cho chim là được”. 
 
Loay hoay tìm đầu ra
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mặc dù nuôi bồ câu đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng việc tiêu thụ đang gặp khó khăn so với nhiều năm trước đây, khi mà nó vẫn còn là món ăn mới lạ. Hơn thế nữa, người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng bồ câu làm thực phẩm chính, thay vào đó nó thường được tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng hoặc đám tiệc. Nhiều người đang hoang mang khi không tìm được đầu ra, việc nuôi cũng vì thế mà bị chựng lại.
 
Một số hộ nuôi có thị trường tiêu thụ tốt như gia đình ông Lê Văn Bình, bà Ngô Thị Thanh, phần lớn là nhờ có mối quan hệ lâu năm với thương lái, không chỉ trong địa bàn tỉnh mà còn ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng… Không ít người nuôi còn lại trong huyện phải “bán tháo, bán đổ” cho thương lái vì không tìm được đầu ra. 
 
Bà Trần Thị Dưỡng, một thương lái ở huyện Nghĩa Hành cho biết: “Hiện nay, trên thị trường giá chim ra ràng và chim giống đều rớt xuống thấp. Lúc trước, tôi thu mua chim ra ràng với giá 70.000 đồng/cặp thì nay chỉ mua được với giá 63.000 đồng/cặp. Một số nơi nuôi số lượng nhiều mà không biết bán cho ai, tôi thương tình mua với giá 60.000 đồng/ cặp, họ vẫn bán. Riêng chim giống tôi không mua vì giờ nhiều người không chọn mô hình này nữa”.
 
Đề cập về vấn đề hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ bồ câu, ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức cho biết: “Năng lực của địa phương hiện nay cũng còn nhiều hạn chế. Trước mắt, trung tâm sẽ tích cực tìm kiếm một số thị trường mới giúp dân tiêu thụ. Sắp tới, địa phương cũng sẽ thành lập một tổ hợp tác, kinh phí do tỉnh đầu tư, chuyên tìm đầu ra cho các mô hình kinh tế. Hy vọng người nuôi bồ câu sẽ an tâm và tiếp tục phát triển mô hình kinh tế này”.
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.