Làng nghề hối hả vào vụ Tết

02:01, 06/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ còn một  tháng nữa là đến Tết Giáp Ngọ. Đây cũng chính là thời điểm các làng nghề trong tỉnh hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.

TIN LIÊN QUAN

Làng bánh tráng tăng tốc

Không khí sản xuất ở làng bánh tráng Hành Trung (Nghĩa Hành) những ngày giáp Tết thật hối hả. Mới 4 giờ sáng, các lò đã sáng trưng ánh điện để bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Chị Lương Thị Hồng Anh, một hộ sản xuất bánh tráng cho biết: “Tôi phải dậy thật sớm để tráng được nhiều bánh kịp giao cho khách. Ngày thường tôi chỉ tráng đến 1 giờ chiều là xuống lò, nhưng giáp Tết thì phải làm ngày làm đêm vì nhu cầu của khách hàng tăng cao”.

 

Làng nghề bánh tráng Hành Trung đang tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm. Ảnh: HỒNG HOA
Làng nghề bánh tráng Hành Trung đang tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm. Ảnh: HỒNG HOA


Ông Võ Sang, một hộ sản xuất bánh tráng ở cùng làng với chị Anh cho biết thêm: Năm nay mưa lũ kéo dài nên sản xuất bánh tráng gặp nhiều khó khăn. Mấy ngày nay, trời mới hửng nắng nên cả làng phải tranh thủ làm để kịp giao hàng cho thương lái. Năm nay nhu cầu tiêu thụ bánh tráng trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên tăng cao nên phải tranh thủ làm chứ không kịp. Trong sân nhà, trên mái hiên, cả dọc bờ rào… nơi nào có chút nắng gió là bà con đều tận dụng để phơi bánh tráng.

Làng nghề sản xuất bánh tráng Hành Trung có từ lâu đời với trên 200 hộ tham gia làm nghề. Sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định và các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên. Mỗi ngày trung bình một lò bánh tráng làm từ 30 - 50 kg gạo với khoảng 800 - 1.200 chiếc bánh, riêng những ngày giáp Tết, sản lượng tăng lên gấp đôi, gấp ba lần.

Chị Nguyễn Thị Trinh chia sẻ: "Nghề này tuy không giàu, nhưng nhờ nó mà có tiền chi tiêu mỗi ngày. Mấy ngày nay đơn đặt hàng tăng. Tuy vất vả nhưng mà vui, vì sản phẩm bán chạy. Bà con làng nghề có “đồng ra đồng vào” để sắm Tết".


Vài năm trở lại đây, một số hộ làm bánh tráng đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp lò bánh tráng. Mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt. Có hộ đã xây dựng lò sấy để chủ động sản xuất khi thời tiết xấu. Nhờ có máy móc mà trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất của ông Võ Bảo tráng được 10 – 15 thiên bánh, riêng những ngày giáp Tết, số lượng có thể tăng lên gấp đôi. “Không chỉ tăng sản lượng, tăng thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết lao động cho khoảng 12 - 16 người, tạo điều kiện cho chị em địa phương kiếm tiền lo Tết”, ông Bảo cho biết.

Hối hả làng nhang, làng chổi đót

Mặc dù còn bộn bề tập trung gieo sạ lúa đông xuân do lũ lớn gây hại, song các làng nghề bó chổi đót ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), Phổ Phong (Đức Phổ) và nghề làm nhang ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vẫn hoạt động hết công suất để có đủ hàng cho thương lái đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

 

Làng nghề  làm chổi đót ở thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).
Làng nghề làm chổi đót ở thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).


Chị Huỳnh Thị Tuyết, ở thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận có thâm niên 30 năm làm nghề bó chổi đót cho biết: "Đến gần Tết mặt hàng chổi đót bán chạy lắm! Ngày thường thì mình phải chở xuống thành phố bỏ mối cho các đại lý, nhưng gần đến Tết các đại lý, thương lái cho xe về đến tận ngõ để chở hàng. Mấy ngày nay họ gọi điện giục hàng liên tục nên phải làm ngày làm đêm mà vẫn không đủ đáp ứng". Hiện tại, mỗi cây chổi đót có giá bán từ 18 - 30 nghìn đồng, tùy theo độ dày mỏng. Sau khi trừ chi phí, mỗi người dân làng nghề cũng kiếm được 2 - 3 triệu đồng/tháng. Riêng tháng chạp  mỗi người kiếm được  khoảng 4- 5 triệu đồng.

Những ngày này, không khí tại làng nhang Nghĩa Hòa cũng không kém phần nhộn nhịp. Hàng trăm hộ làm nhang đang khẩn trương, tất bật để có những mẻ nhang thơm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Trên khắp các con ngõ dẫn vào làng, hàng nghìn bó nhang với màu sắc rực rỡ, tỏa hương thơm ngát được người dân trải phơi.

 Bà Đỗ Thị Hoàng, một người có thâm niên làm nhang ở Nghĩa Hòa chia sẻ: Nghề nhang này làm quanh năm, bởi nhang làm ra không sợ bị ế, vì người Việt mình ai trong nhà lại không có lư hương, nhất là những ngày Tết nhu cầu thắp hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên cũng sẽ tăng lên. Nhiều khách hàng đặt mua nhưng sản xuất không thể nhiều hơn vì những ngày qua trời không nắng. Thời gian này, tốp thợ của bà càng tất bật hơn với những đơn đặt hàng từ khắp nơi để về bán Tết. Mỗi ngày cơ sở của bà sản xuất khoảng 6 thớt nhang (mỗi thớt hơn 50 bó nhang). Do nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều nên các cơ sở làm nhang đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, vào những ngày cận Tết, các cơ sở sản xuất còn làm thêm nhiều loại nhang khác nhau để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Tết Giáp Ngọ đã cận kề, một số làng nghề trong tỉnh đang thời điểm làm ăn nhộn nhịp nhất trong năm. Hy vọng một mùa bội thu sẽ đến để nhà nhà đều có cái Tết ấm no, hạnh phúc.


        Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.