Trợ lực cho làng nghề

09:10, 01/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển làng nghề nông thôn là chính sách cần thiết nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Tuy nhiên trước thực trạng nhiều làng nghề “điêu đứng” như hiện nay cần phải có giải pháp trợ lực thì mục tiêu phát triển làng nghề mới đạt được.

TIN LIÊN QUAN

Những đóng góp quan trọng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 làng nghề, cùng với 39 doanh nghiệp, 4.500 cơ sở ngành nghề lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động nông thôn, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu 8 tháng 2013 hơn 1.000 tỷ đồng. Những con số  “biết nói” này đã chứng tỏ sự đóng góp của làng nghề nông thôn vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là rất quan trọng.

 

Làng nghề làm chổi đót thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).
Làng nghề làm chổi đót thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).


Hiện tại, trong tỉnh có một số làng nghề ăn nên làm ra như: Nghề chế biến hải sản ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh; làng nghề truyền thống sản xuất chổi đót xã Phổ Phong (Đức Phổ); làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi, xã Đức Lợi (Mộ Đức). Trong các làng nghề thì nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản phát triển nhất, với 3 doanh nghiệp và gần 2.300 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 6 nghìn lao động. Nhiều làng nghề đã khẳng định được “thương hiệu” trên thị trường như nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức). Làng nghề này có khoảng 600 hộ tham gia, trong đó, có 25 cơ sở đăng ký thương hiệu hàng hóa. Mỗi năm “Nước mắm Đức Lợi” xuất ra thị trường khoảng 3,6 triệu lít, doanh thu trên 25 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động.

Tuy nhiên, những làng nghề “sống khỏe” của tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn làng nghề hoạt động cầm chừng, thoi thóp, thậm chí là có nguy cơ “biến mất” khỏi kinh tế nông thôn lại khá phổ biến. Ngoài những tác động khách quan từ thị trường còn có nguyên nhân bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước khiến nhiều làng nghề “một thời vang bóng” nay rơi vào tình trạng “bỏ thì thương vương thì nợ”.

Cái khó bó cái khôn

Một làng nghề muốn trụ vững trong cơ chế thị trường hiện nay cần thiết phải đảm bảo 3 yếu tố: Vốn, thị trường và nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề trong tỉnh lại nằm trong tình trạng “khuyết” các yếu tố này và “cái khó đã bó cái khôn”. Làng nghề đòi hỏi vốn kinh doanh không nhiều nhưng phải đủ để có thể mua nguyên liệu, quảng bá sản phẩm và chi phí khác. Song hầu hết lại thiếu vốn, hoạt động theo kiểu “giựt gấu vá vai”, đắp đổi qua ngày, khó cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp hiện đại.

Chúng tôi có dịp đến thăm làng nghề làm chổi đót ở thôn Đại An Đông I, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành). Trước đây làng nghề này đã từng là chỗ dựa cơm áo cho bao gia đình nghèo khó, với mức thu nhập không cao nhưng một người làm cũng có thể nuôi được mấy miệng ăn trong gia đình. Thế mà nay do nguồn vốn đầu tư cho làng nghề còn ít nên sản phẩm làm ra cũng ít và thu nhập cũng giảm đáng kể. Chị Thượng Thị Loan, người có thâm niên trên 20 năm làm chổi đót ở làng nghề này chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Mỗi lúc thiếu, người dân làng nghề lại phải chật vật vay nóng  với lãi suất cao, tính ra thu nhập sau khi trừ chi phí chẳng còn là bao. Cứ đà này làng nghề chổi đót Đại An Đông I khó mà tồn tại, phát triển”.

Bên cạnh sự khó khăn về vốn thì việc thiếu nguồn nguyên liệu cũng là vấn đề nan giải của một số làng nghề. Trong đó có làng nghề mây tre đan, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh). Thị trường đầu ra lại dễ dàng bởi sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Dù chỉ là cái giỏ đựng trái cây, cây lụi đồ ăn nhanh, đũa ăn nhanh, tăm tre, nong, nia… nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Chủ các cơ sở ở làng nghề này cho chúng tôi biết: Hiện tại các đơn đặt hàng rất dồi dào nên đầu ra cho sản phẩm không có gì phải ngại. Cái khó là vùng nguyên liệu tre ở địa phương đang khan hiếm nên thời gian gần đây các chủ cơ sở phải chuyển sang thu mua lồ ô tận miền núi, chi phí tăng cao, lãi ít.

Đặc biệt, cái khó nhất của làng nghề hiện nay chính là đầu ra cho sản phẩm, nên dù được ưu đãi về nhiều mặt nhưng nhiều chủ cơ sở vẫn chưa mạnh dạn tập trung kinh doanh theo “hệ thống làng nghề” được chính quyền bố trí. Ông Lê Minh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết: Mộ Đức đã quan tâm đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng khu tập trung làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi. Thế nhưng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có cơ sở nào vào khu này hoạt động do thiếu vốn và chưa chắc chắn đảm bảo thị trường đầu ra trong tương lai. Đây cũng là một trong những khó khăn làm cho làng nghề không thể “cất cánh”.

Còn đối với những làng nghề có sản phẩm đơn giản, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, hoặc những làng nghề có sức tiêu thụ biến động theo thị hiếu của người tiêu dùng như làng nghề sản xuất bánh tráng, bún; làng nghề trồng cây cảnh thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành); làng nghề gốm Phổ Khánh… thì vấn đề đầu ra còn bi đát hơn.

Làng nghề có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đặc biệt góp phần xây dựng nông thôn mới hiện nay. Song để làng nghề phát huy được thế mạnh của mình thì cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng để quy tụ làng nghề; tạo cơ chế thông thoáng để người dân làng nghề tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nhằm giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cùng với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong làng nghề liên kết lại theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, đảm bảo năng lực cung cấp sản phẩm khi có hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Có vậy mới giúp làng nghề phát triển ổn định, bền vững và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

*Ông Đỗ Kỳ Ân – Chi Cục trưởng Chi Cục phát triển nông thôn.
Hằng năm, nguồn kinh phí đầu tư cho nông nghiệp không phải nhỏ, tuy nhiên đầu tư riêng cho làng nghề thì lại rất ít. Để tạo đà cho làng nghề phát triển thì trước hết Nhà nước cần có sự quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh việc quy hoạch đất đai để xây dựng làng nghề tập trung; đào tạo nghề truyền thống, nghề mới cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên tạo cơ chế để người dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, bản thân người dân làng nghề phải có sự nỗ lực, phải tự cứu lấy mình.

*Ông Vũ Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức.
Hiện tại trên địa bàn Mộ Đức, nhiều người đã bỏ làng nghề đi làm ăn xa hoặc chuyển sang làm nghề khác. Vì vậy mong rằng trong thời gian tới Nhà nước cần có sự quan tâm hơn nữa đối với những làng nghề, tạo điều kiện để làng nghề được mở rộng, phát triển. Riêng đối với những làng nghề đang “thoi thóp” thì cần phải có cơ chế thoáng hơn, hỗ trợ, đầu tư mạnh hơn để khuyến khích vực dậy.

*Ông Nguyễn Đình Hiếu, xã Đức Lợi (Mộ Đức).
Chỉ có phát triển làng nghề thì đời sống của người dân vùng nông thôn mới được cải thiện. Thực tế nhiều làng nghề đã giải quyết được nguồn lao động và đem lại thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Vì thế tỉnh cần triển khai các giải pháp cần thiết để hỗ trợ làng nghề, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm để làng nghề được phát triển.

*Bà Lương Thị Hồng Anh – Chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Hồng Anh, xã Hành Trung (Nghĩa Hành).
Mang tiếng là làng nghề nhưng trước giờ vẫn mạnh ai nấy làm, có những người làm theo phong trào nên chất lượng sản phẩm không cao. Điều này đã khiến cho làng nghề khó phát triển, dần bị mai một. Theo tôi cần phải thành lập một Hiệp hội làng nghề đứng ra bảo vệ, kiểm nghiệm và quảng bá sản phẩm cho làng nghề, tránh trường hợp một cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm lại làm cho cả làng nghề bị vạ lây.

 


Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.