(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống gần 5 năm nay, nhưng thời gian qua nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) phải đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động chỉ cầm chừng và vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xã Đức Lợi hiện có khoảng 100 hộ chuyên sống bằng nghề làm nước mắm. Nếu như trước đây nghề này giúp người dân địa phương trở nên khấm khá, tạo được việc làm cho nhiều lao động thì vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm nước mắm đóng chai có thương hiệu trên thị trường đã làm giảm đáng kể lượng mắm tiêu thụ của địa phương. Chỉ vào chiếc xe tải của gia đình đang nằm không trong sân nhà mình, chị Nguyễn Thị Lệ ở thôn Kỳ Tân, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Yến Phương cho hay: Trước đây, việc sản xuất và tiêu thụ mắm của mình có nhiều thuận lợi, sản phẩm nước mắm của gia đình tiêu thụ mạnh và xuất bán được nhiều nơi, thu nhập mỗi tháng cũng được hơn trăm triệu đồng, nên đầu tư mua xe để tiện việc vận chuyển. Nhưng mấy năm gần đây, việc làm ăn trở nên khó khăn và chỉ hoạt động cầm chừng để giữ nghề truyền thống của gia đình.
Hơn 40 năm chuyên nghề chế biến nước mắm, ông Nguyễn Đình Hiếu, chủ cơ sở nước mắm Tân Hiếu ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi cũng gặp cảnh tương tự. Lúc thị trường nước mắm chưa có sự cạnh tranh như bây giờ thì mỗi năm cơ sở của ông Hiếu muối được vài chục tấn cá, còn bây giờ chỉ được 1/3 so với trước. Ông Hiếu thừa nhận, sở dĩ nghề nước mắm ở địa phương gặp khó khăn là do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp vì giá cả không thể cạnh tranh với các sản phẩm nước mắm có thương hiệu, được quảng bá rộng rãi trên thị trường hiện nay. Do nguyên liệu không lấy được tại chỗ, phải mua từ các tỉnh khác nên giá thành cao hơn, do đó không thể cạnh tranh về giá với các hãng nước mắm lớn. Nước mắm truyền thống Đức Lợi vẫn giữ được chất lượng như xưa, nhưng do nước mắm truyền thống Đức Lợi chưa có thương hiệu nên khó cạnh tranh với sản phẩm nước mắm của các thương hiệu lớn.
Nước mắm ở xã Đức Lợi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh T.L |
Ông Lê Minh Việt- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết: Khi xã Đức Lợi được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chế biến nước mắm truyền thống vào năm 2009, địa phương đã xây dựng kế hoạch gây dựng thương hiệu chung cho làng nghề nước mắm Đức Lợi, bằng cách quy hoạch khu chế biến nước mắm trên diện tích gần 2ha để tập trung các hộ chuyên làm nước mắm vào tham gia sản xuất. Tuy nhiên, do nhiều cơ sở thiếu vốn để đầu tư và thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế nên tâm lý e ngại. Dù xã đã làm việc với một số ngân hàng để các hộ trên được vay vốn và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ nhưng chưa có phản hồi. Khó khăn nhất của địa phương và người dân hiện nay là chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm mắm. Địa phương mong tỉnh, huyện và các ngành chức năng nên có hướng hỗ trợ để tìm đầu ra cho sản phẩm thì người dân mới mạnh dạn đầu tư vào khu làng nghề.
Việc hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm nước mắm truyền thống làng nghề xã Đức Lợi chưa trở thành thương hiệu để ổn định và phát triển một cách bền vững.
Hoàng Nam