Làng nghề nước mắm Đức Lợi: Cần được đầu tư để phát triển

09:06, 24/06/2010
.

(QNg) - Từ năm 2009, xã Đức Lợi (Mộ Đức) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chế biến nước mắm, nhằm giúp nghề sản xuất nước mắm nơi đây phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Tuy nhiên hiện nay làng nghề này đang đứng trước nhiều khó khăn.

Người dân Đức Lợi sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, trong đó nghề chế biến nước mắm có trên 100 hộ dân trong xã tham gia, tập trung ở các thôn Kỳ Tân và Vinh Phú. Nhiều năm qua, nghề chế biến nước mắm không chỉ đem lại lợi nhuận cho các chủ cơ sở, mà còn giải quyết việc làm cho khá đông lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thị Bảy (thôn Kỳ Tân, Đức Lợi) cho biết: Với công việc chiết mắm, vào chai tại các cơ sở chế biến nước mắm đã giúp chị có thu nhập ổn định (trung bình mỗi ngày chị kiếm được gần 100 ngàn đồng). Nhờ vậy mà mấy năm nay đời sống của gia đình chị ổn định, lo được cho con cái học hành, khỏi phải vay mượn. Chị Bảy còn khoe: "Không những lo được cho sấp nhỏ, tôi còn lo cho chồng ăn học nữa đó. Bây giờ "ổng" làm nhân viên của Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Cuộc sống gia đình tôi vậy là ổn rồi".
 
 
Anh Trần Văn Nhân đang kiểm tra nước  mắm.
Anh Trần Văn Nhân đang kiểm tra nước mắm.
 
Còn anh Trần Văn Nhân (Kỳ Tân, Đức Lợi) - chủ cơ sở sản xuất nước mắm Yến Phương thổ lộ: "Mỗi năm tôi muối được hơn 30 tấn cá, thu nhập trên dưới 200 triệu đồng, chẳng những trang trải được cho cuộc sống gia đình, mà còn trả tiền công cho khoảng 4 công nhân, với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng". Có thể nói, nhờ các cơ sở chế biến nước mắm mà nhiều năm nay bà con ở đây có công ăn việc làm thường xuyên, từ đó không phải mưu sinh ở nơi khác nữa. Đặc biệt một số chủ cơ sở sản xuất nước mắm đã vươn lên hàng "đại gia" ở vùng quê biển này.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất của làng nghề còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình tự bỏ vốn và tổ chức sản xuất, sau đó tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ông Lê Minh Việt- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết: Đa số người dân trong xã còn chế biến nước mắm theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng các công nghệ hiện đại. Nguyên nhân là bà con không đủ vốn để đầu tư. Chính vì vậy mà hiện nay sản phẩm của làng nghề làm ra có giá thấp hơn sản phẩm của một số địa phương khác. 
 
Ông Việt còn cho biết thêm, trong thời gian qua UBND xã Đức Lợi đã tổ chức để bà con sản xuất nước mắm tiếp xúc trực tiếp với ngân hàng, nhằm tìm phương án vay vốn đầu tư sản xuất. Nhưng tiếc là nhiều ngân hàng còn ngại, chưa dám mạnh dạn cho người dân vay, dù phương án trả nợ của bà con rất khả thi. Cũng vì thiếu vốn nên việc đưa sản phẩm nước mắm Đức Lợi có mặt tại nhiều nơi trong nước vẫn còn cầm chừng. Đó là chưa kể nước mắm Đức Lợi có nguy cơ "thua" ngay trên sân nhà (là các huyện, thị trong tỉnh) khi nhiều thương hiệu nước mắm mạnh đã ồ ạt "tấn công" vào các siêu thị, cửa hàng tại tỉnh ta.

Việc UBND tỉnh công nhận làng nghề là nhằm tạo điều kiện để duy trì một nghề truyền thống từ bao đời nay của người dân xã Đức Lợi. Từ đó giúp làng nghề phát triển theo hướng bền vững, đồng thời để người dân có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng chất lượng sản phẩm hiện nay của làng nghề vẫn chưa được nâng lên, các hộ sản xuất chưa chịu liên kết với nhau mà sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa tạo ra thương hiệu chung cho cả làng nghề và đang có ý nghĩa là "đặt tên cho nước mắm cũng chỉ là để phân biệt với các cơ sở khác trong... xã mà thôi".

Điều dễ nhận thấy nữa là cơ sở hạ tầng khu tập trung chưa được đầu tư hoàn chỉnh, vì thiếu vốn. Theo ông Lê Minh Việt thì, với kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng của UBND huyện Mộ Đức, không thể giúp xã xây dựng hoàn thiện các công trình như: Hệ thống xử lý nước thải, nhà quản lý, tường rào... Vì thế, để làng nghề nước mắm Đức Lợi phát triển, rất cần sự hỗ trợ về vốn, đồng thời hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm từ các ngành chức năng.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.