Hàng trăm cơ sở chế biến nước mắm ở Đức Lợi: "Đói" nguyên liệu

02:05, 10/05/2011
.

(QNg)- Do khan hiếm nguồn cá cơm, nên đến thời điểm này hàng trăm cơ sở ở làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức) vẫn chưa có nguyên liệu cá để sản xuất mắm cho năm sau. Số mắm dự trữ cũng đã tiêu thụ gần hết. Do đó nguy cơ mắm Đức Lợi "đứt hàng" trên thị trường là điều khó tránh khỏi.

Theo các cơ sở ở làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi thì, mọi năm nguồn cung cá cơm từ các tàu thuyền rất dồi dào, nên họ thu mua đủ nguồn cá (5 - 10 tấn/cơ sở) để chế biến nước mắm. Song năm nay từ đầu vụ đến giờ, các cơ sở này vẫn chưa mua được mẻ cá cơm nào. "Phần thì biển động, phần thì do các tàu thuyền bán cho các cơ sở hấp cá cơm để tiêu thụ sang Trung Quốc. Do đó những người làm mắm như chúng tôi đành... ngậm ngùi đợi vụ cá sau!" - bà Trần Thị Nhơn- chủ cơ sở chế biến nước mắm ở làng nghề Đức Lợi cho biết.
 
Sang chiết nước mắm tại cơ sở sản xuất của bà Nhơn.
Sang chiết nước mắm tại cơ sở sản xuất của bà Nhơn.

Theo các hộ dân thì thông thường vụ đánh bắt cá cơm nở rộ từ tháng 11 đến tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Nếu biển êm và được mùa, thì sau Tết các cơ sở chế biến nước mắm đã rầm rộ bước vào vụ mắm mới mà không phải lo lắng nhiều về nguồn nguyên liệu. "Năm ngoái giờ này cơ sở tôi đã phải huy động 3 xe tải để vận chuyển hàng chục tấn cá. Nhưng năm nay thì chưa mua được kg cá nào. Cảng biển vắng bóng cá cơm, đành trông chờ… vào lộc biển vậy!" - bà Bùi Thị Út - chủ cơ sở nước mắm Hồng Út than thở.

Do nguồn cung cá cơm khan hiếm, nên giá cá cơm vì thế cũng đội lên rất cao. Nếu như mọi năm chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg cá, thì năm nay đã tăng vọt lên 15.000 - 18.000 đồng/kg, đã gây không ít khó khăn cho những cơ sở chế biến nước mắm. Bởi lẽ khi giá nguyên liệu tăng thì giá thành sản phẩm cũng đuổi theo. Tuy nhiên do phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu lớn như: Đệ Nhị, Nam Ngư, Long Đình… nên việc tăng giá sản phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của nước mắm Đức Lợi. Do đó để giữ được thị phần trên thị trường thì ngoài đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm, thì nước mắm Đức Lợi đành phải trông chờ vào sự… đồng cảm của người tiêu dùng, trước sự leo thang của giá nguyên liệu đầu vào như hiện nay!.

Việc "đói" nguyên liệu để sản xuất không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 600 hộ chế biến nước mắm, mà còn kéo theo một lượng lớn lao động của địa phương (chủ yếu là lao động nữ) thất nghiệp. "Nhiều cơ sở chế biến nước mắm hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động do không có cá. Vì vậy chúng tôi cũng bị mất việc làm, đành gửi con để đi kiếm việc ở nơi khác vậy" - chị Hương, một lao động làm việc trong các cơ sở chế biến nước mắm cho hay.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi nhận xét: Chưa có năm nào việc chế biến nước mắm ở Đức Lợi lại bị đứt đoạn như năm nay, ngay cả các cơ sở lớn cũng điêu đứng vì không lường trước được nguồn cung cá cơm… bị tắt.
 
Trước thực trạng này chính quyền địa phương động viên người dân cố gắng thu mua cá cơm được chừng nào hay chừng ấy và cân nhắc sử dụng các loại nguyên liệu khác (chủ yếu là cá nục), để chế biến mắm. Tuy nhiên việc sử dụng cá nục chỉ là giải pháp tình thế, vì giá thành của cá nục cũng rất cao, thời gian muối lâu hơn (thời gian muối cá cơm từ 8 - 12 tháng); mà sản phẩm nước mắm lại không thơm ngon bằng cá cơm. Dù vậy nhưng nhiều hộ cũng bấm bụng làm liều, vì không có mắm thì mình cũng bị mất khách hàng; hơn nữa nếu không "liều" thì dân biển lấy đâu ra tiền để nuôi con ăn học?

Bài, ảnh: MỸ HOA

.