(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp bình quân đạt 5,1%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 39,4 triệu đồng/ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,3%. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân qua việc đóng góp 1.638 tỷ đồng cùng hàng chục nghìn ngày công lao động. Hiện tại, toàn tỉnh có 23 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 61 xã đạt từ 5-9 tiêu chí.
Nông thôn đổi mới
Một năm trước, con đường đất nhỏ dẫn vào thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn (Minh Long) là nỗi ám ảnh của bà con lẫn các em học sinh mỗi khi đi qua, nhất là trong mùa mưa. Bởi khi gặp nước, nền đường dẻo quánh, lại trơn, khiến nhiều người phải nếm cảnh “tắm bùn”. Thương nhất là mấy em học sinh.
Hiểu được nỗi khổ này nên khi biết xã sẽ bê tông hóa tuyến đường thôn Lạc Sơn vào đầu năm 2013, bà con nơi đây rất mừng. Vì vậy, khi nghe cán bộ thôn đề đạt ý kiến “tiền Nhà nước đã cho, nhưng thiếu đất để mở rộng đường” thì không ai bảo ai, họ lập tức chặt cây, phá bờ rào. Thậm chí nhiều người còn xung phong giúp đội làm đường bằng cách xách nước, trộn hồ hay dọn dẹp cành cây, rác thải xung quanh. Đáp lại tấm lòng ấy, con đường bê tông rộng 3,5m nhanh chóng ra đời sau gần một tháng thi công, khiến bà con thôn Lạc Sơn vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc.
Tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật canh tác mới giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: MỸ HOA |
Với xã Đức Nhuận (Mộ Đức), bộ mặt nông thôn không chỉ dừng lại ở chuyện đường sá được bê tông, cấp phối; điện đường rọi sáng khắp xóm trên làng dưới; nhà cửa khang trang, sạch đẹp mà điểm nhấn là sự ra đời của Khu trung tâm kinh tế thương mại dịch vụ Nam Sông Vệ. Dù đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư, nhưng sự có mặt của Khu trung tâm kinh tế được xem là cơ hội để Đức Nhuận “làm mới” mình bằng việc phát triển thương mại-dịch vụ. Từ đó tạo đà để địa phương chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Không chỉ Long Sơn, Đức Nhuận mà hiện nay, bộ mặt nông thôn Quảng Ngãi đã có nhiều đổi mới. Cụ thể, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, gần 64% tuyến đường huyện đã được cứng hóa, nhựa hóa; hơn 45,9% đường xã, gần 10% đường thôn xóm và 36,2% tuyến kênh mương đã được kiên cố. Riêng 33 xã điểm xây dựng NTM đã nhựa hóa, cứng hóa 51,2% đường trục xã, 25,9% đường trục thôn, 16,5% đường ngõ xóm và 4,25% đường trục chính nội đồng.
Nông dân đổi đời
Trở lại với Bình Dương - xã số 1 của tỉnh trong xây dựng NTM mới thấy hết sự đổi thay về đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây. Từ màu đỏ của ớt, xanh của bí, vàng của lúa đến những ao hồ, tàu bè đầy ắp cá; rồi đường bê tông chạy từ làng ra ruộng, đến công viên và sân chơi thể thao. Bấy nhiêu đó cũng phần nào minh chứng cho sự no đủ và yên bình của một xã thuần nông ven biển. Mà nói như ông Đoàn Nhập ở thôn Đông Yên 1 thì: “Nông dân có đất để làm; có chỗ ngồi chơi, chuyện trò thoải mái.
Nhiều tuyến đường ở nông thôn được bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi. |
Thế là đủ”. Quả thật, tuy chưa đạt đến ngưỡng sung túc, nhưng với những cánh đồng (lúa, ớt, bí) 300-400 triệu/ha; rồi cầu cống, trường học, chợ hay nơi vui chơi giải trí khang trang, sạch sẽ… đã khiến người dân Bình Dương hài lòng với cuộc sống của mình. Để có được thành quả ấy trong công cuộc xây dựng NTM, nhân dân (kể cả con em làm ăn xa) Bình Dương đã đóng góp hơn 26,8 tỷ đồng. Một con số mà nhiều địa phương trong tỉnh không nghĩ tới.
Trong khi nông dân bám đất, bám ruộng để cho ra đời nhiều cánh đồng, trang trại, mô hình chăn nuôi… cho thu nhập trên trăm triệu thì, ngư dân cũng không thua kém với những con tàu đầy ắp cá. Dù hiện giờ, việc khai thác đánh bắt kém thuận lợi khi mà biển không còn nhiều cá, mực như trước, lại thêm hiểm nguy do thiên tai lẫn nhân tai, nhưng nói như anh Nguyễn Duy Nam ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thì: “Ngư dân vẫn biết cách lấy lộc từ biển”.
Đó là nâng công suất tàu thuyền bằng cách sửa tàu cũ, đóng tàu mới để vươn đến những ngư trường xa; sắm các thiết bị hỗ trợ như máy định vị, máy dò cá cùng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại; rồi tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá, tổ đội hợp tác để chia sẻ và giúp đỡ nhau khi hành nghề trên biển. Chẳng thế mà 5.492 tàu thuyền (2.287 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên) của ngư dân Quảng Ngãi đã vượt khó, mang về hơn 126,9 nghìn tấn thủy hải sản các loại (năm 2012). Con số này không chỉ giúp ngư dân cải thiện thu nhập, mà còn giúp họ vững tin bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tạo lực để nông nghiệp, NTM vượt khó
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng hiện tại, sản xuất nông nghiệp (SXNN) và xây dựng NTM vẫn còn không ít hạn chế. Ngay cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện NTM trên địa bàn 33 xã trong 3 năm (2011-2013) vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cũng khẳng định: “NTM là động lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhưng hiện tại, tiến độ triển khai thực hiện NTM còn chậm, kết quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân là do chính quyền các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng như cách thức tổ chức thực hiện”.
Triển lãm, liên kết xúc tiến thương mại nhằm tìm hướng ra ổn định cho nông sản. |
Hiện tại, dù giá trị SXNN tăng theo từng năm nhưng thực tế, thu nhập của nông dân vẫn thấp. Lý do, ngành nông nghiệp phát triển chưa toàn diện; cơ cấu nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm; sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự gắn kết với thị trường tiêu thụ. Thế mới có chuyện nông sản bị thương lái ép giá, ứ đầu ra nên không thoát được vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá”. Tình trạng này khiến nông dân khốn khổ vì thua lỗ.
Trong khi đó, NTM được xem là động lực của SXNN thông qua việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất, nhưng hiện tại, nguồn lực đầu tư cho NTM vừa thiếu, vừa yếu. Tức là chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước, nhân dân góp công, riêng doanh nghiệp vẫn còn ngoài cuộc.
Do đó, để nông nghiệp và NTM vượt khó nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đề ra, tỉnh đã thể chế hóa Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, liên kết mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định cho nông sản; hỗ trợ, khuyến khích ngư dân hiện đại hóa tàu thuyền đánh bắt. Đối với NTM, tập trung huy động mọi nguồn lực và tranh thủ nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Đồng thời thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để SXNN nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Bài, ảnh: MỸ HOA