Xây dựng nông thôn mới: Nan giải bài toán môi trường

06:10, 05/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi))- Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vấn đề này đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương khi vẫn chưa thể hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Tràn lan rác thải

Tuyến kênh B8 - đoạn ngang qua xã Tịnh Thiện (Sơn Tịnh) trở thành kênh rác với vô số bao bì nilon và xác xúc vật chết dạt về, khiến người dân mỗi khi đi ngang qua khu vực này đều phải nhăn nhó vì hôi thối. Ngán ngẩm khi đã tổ chức dọn dẹp nhiều lần rồi đâu lại vào đấy, nên người dân đành gượng cười chấp nhận và đặt tên cho đoạn kênh này là “kênh nín thở”. Cùng chung số phận với hàng chục hộ dân sống gần khu vực đoạn kênh B8, là tâm trạng bức xúc của người dân thôn Phước Thịnh (Đức Thạnh, Mộ Đức) khi đường vào thôn đã bị rác “bịt kín”. Chỗ “tập kết” rác bất đắc dĩ này tồn tại đã nhiều năm qua gây cản trở cho việc đi lại và sức khỏe của người dân.

 

Rác thường xuyên bị trôi ra khỏi bãi chôn lấp rác ở xã Bình Dương mỗi khi mưa lớn.
Rác thường xuyên bị trôi ra khỏi bãi chôn lấp rác ở xã Bình Dương mỗi khi mưa lớn.


Bên cạnh ý thức, trách nhiệm  của người dân trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế, thì việc các địa phương thiếu kinh phí đầu tư cho công tác thu gom rác thải cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải tràn ngập. “Nhà tôi mở quán ăn kết hợp với nước giải khát, nên lượng rác thải hằng ngày rất nhiều. Có khi chờ cả tuần xe gom rác mới đến thu gom, nên tôi không biết phải chứa rác ở đâu”- chị Trịnh Thị Thu (Long Hiệp, Minh Long) chia sẻ. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Diệu - Trưởng Phòng TNMT huyện Minh Long cho hay, bãi chôn lấp rác thải cho toàn huyện chỉ có diện tích 0,5ha nên thường xuyên bị quá tải. Mỗi lần quá tải thì rác lại bị ứ lại tại nhà dân, nhưng chưa thể giải quyết được dứt điểm vì huyện đang chờ kinh phí để mở rộng bãi chôn lấp”.

Nỗ lực nhưng chưa bền vững

Xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường là mục tiêu quan trọng hàng đầu nên hằng năm, huyện Bình Sơn đều thực hiện rất nhiều phương án tuyên truyền và trích kinh phí hỗ trợ cho sự nghiệp môi trường. 13 địa phương gồm: Thị trấn Châu Ổ, Bình Trung, Bình Thới, Bình Long, Bình Hiệp, Bình Nguyên, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phước, Bình Chánh, Bình Thạnh đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Cơ- Điện- Môi trường Lilama để thu gom và xử lý. Riêng xã Bình Dương, từ năm 2006 đã tự thành lập tổ chuyên trách thu gom rác thải tận thôn xóm. Đội thu gom rác thải với 5 xe chuyên chở rác nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương. Có đội gom rác tận nhà, người dân không còn phải lo cho “đường đi” của rác, vậy nên 574 hộ dân trên địa bàn xã nhanh chóng đăng ký thu gom rác với mức phí 15.000 đồng/tháng.

Với sự nỗ lực của chính quyền xã Bình Dương, việc thu gom rác thải về cơ bản đã được giải quyết, nhưng vấn đề “hậu thu gom” thì vẫn còn bỏ ngỏ vì thiếu kinh phí. Rác sau khi thu gom chỉ được chôn lấp tạm chứ chưa xây dựng được phương án phân loại, xử lý hay tái chế. Hơn nữa, bãi chôn lấp rác rộng gần 5ha tại thôn Đông Yên 2 tuy cách xa khu dân cư nhưng lại là đất ven sông nên hay xảy ra tình trạng ngập nước vào mùa mưa. Để giữ đất và rác, địa phương đã tổ chức trồng cây xanh ngay trên bãi chôn lấp, nhưng đến mùa mưa là bãi chôn lấp lại bị nước “liếm” dần. Rác thải chôn sâu dưới cát cũng vì thế mà bị trôi dạt ra ngoài sông bãi. “Hiện tại, địa phương đang rất cần được hỗ trợ kinh phí để có thể thực hiện được công tác thu gom và xử lý rác theo hướng bền vững, lâu dài. Bởi trong thời gian đến, bãi chôn lấp rác rồi cũng sẽ quá tải. Hơn nữa để có thể vận chuyển rác ra khu chôn lấp, tổ thu gom rác phải vận chuyển bằng ghe rất bất tiện”, ông Nguyễn Văn Tin - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết.

Thực trạng trên không chỉ của riêng xã điểm xây dựng nông thôn mới Bình Dương mà là tình hình chung của nhiều địa phương trong tỉnh. Để giải bài toán vệ sinh môi trường nông thôn, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần phát huy nội lực và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Chỉ có sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội, mới hy vọng có thể đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.


Bài, ảnh: Ý THU
 


.