(Báo Quảng Ngãi)- Vụ hè thu 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trên diện tích 60 ha với quy mô 20 ha/cánh đồng ở 3 xã gồm: Đức Thắng (Mộ Đức), Bình Long (Bình Sơn) và thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). Tuy lần đầu ra mắt nhưng với sự góp mặt của giống lúa thuần chất lượng VN121, TBR45 và OM6976 cùng sự hậu thuẫn của các “nhà” đã giúp CĐML gặt hái nhiều thắng lợi. Từ năng suất đạt “đỉnh” 63 - 65 tạ/ha đến gỡ “nút” mối quan hệ sản xuất của nông dân là một minh chứng.
Từ bề nổi năng suất…
Vốn có tiếng về kinh nghiệm cũng như tính nhạy bén trong nghề trồng lúa, nhưng nông dân huyện Mộ Đức vẫn thừa nhận, hiệu quả sản xuất có được là nhờ kinh nghiệm bản thân tự đúc kết. Phần lớn bà con chỉ quan tâm đến việc bón phân, trừ bệnh để cây lúa lớn nhanh, “đẻ” hạt khỏe, chứ không bận tâm nhiều đến vấn đề vì sao phải thay bộ giống, đổi mới kỹ thuật canh tác hay kiểm soát sau thu hoạch.
Vậy, làm cách nào để cải thiện những con số không mấy hấp dẫn này? Đó là câu hỏi khó cho ngành nông nghiệp lẫn người trồng lúa. Thế nên khi CĐML ra đời, nó lập tức thu hút sự chú ý vì khả năng sinh lãi của mình. Chẳng thế mà lão nông Lương Giảng ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức), một trong những hộ sản xuất theo mô hình CĐML thừa nhận: “Kinh nghiệm lâu nay giúp mình làm lúa được nhiều hạt; còn CĐML lại chỉ cho ta cách thu lợi”.
Cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân có điều kiện trao đổi kỹ thuật sản xuất với cán bộ chuyên môn ngay trên đồng ruộng. |
Mà cái lợi dễ thấy nhất là năng suất vụ hè thu vừa rồi đạt “đỉnh” 63 - 65 tạ/ha. So với lúa lai, con số này sẽ chẳng là gì. Nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì lúa lai không thể đuổi kịp “con nhà nghèo” VN121 hay “nữ hoàng xuất khẩu” OM6976. Đơn giản vì giá bán lúa thương phẩm VN121, OM6976 hay TBR45 luôn cao hơn lúa lai 30 - 50%, trong khi chi phí sản xuất lại giảm 5 - 10%. Đã thế, ngay khi vừa thu hoạch, sản phẩm lúa thuần của CĐML được thương lái đến tận ruộng thu gom khiến nông dân phấn khởi vì được thỏa sức… mặc cả giá!
…đến chiều sâu sản xuất
Từ khi tham gia vào mô hình CĐML, không chỉ ông Giảng mà nhiều nông dân mới nghiệm ra rằng, lâu nay, họ sản xuất lúa theo kiểu “biết sao làm vậy” chứ chưa gọi là kỹ thuật canh tác đúng nghĩa. Thế mới có chuyện mỗi hộ chọn thời gian xuống giống khác nhau, rồi lúa vụ trước làm giống vụ sau hay quan niệm “phân nhiều tốt cây, sai hạt”; mà nhất là thói quen sạ dày, vừa tốn kém vừa giảm hiệu quả sản xuất.
Với CĐML, nông dân buộc phải vào “guồng”. Nghĩa là họ không được tùy tiện dùng giống, bón phân mà phải tuân thủ quy trình kỹ thuật liên hoàn từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch. Nhờ vậy, nhiều hộ đã hiểu tường tận kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” cũng như nguyên tắc 4 chung (chung giống, chung thời gian gieo sạ, chung các biện pháp kỹ thuật và chung thời gian thu hoạch). Điều này không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất mà còn biết cách bảo vệ đất, tránh rủi ro. Thế nên sau khi ra mắt ấn tượng với năng suất 63 tạ/ha cùng mối quan hệ sản xuất “4 nhà” trong vụ lúa hè thu vừa qua, CĐML đã được lão nông Nguyễn Hữu ở xã Bình Long (Bình Sơn) nhận xét: “Thắng lợi lớn nhất của CĐML chính là đã đánh động đến tập tính canh tác lâu nay của nông dân; đồng thời thay đổi cách nhìn nhận của doanh nghiệp đối với cây lúa”.
Nhận định này không sai. Bởi với CĐML, nông dân sẽ không sản xuất theo kiểu thả nổi, nhỏ lẻ mà có kiểm soát và đồng bộ nhằm thu hút sự chú ý của doanh nghiệp (DN). Từ đó, DN sẽ tìm thấy hướng phát triển của mình thông qua việc chia sẻ gánh nặng chi phí sản xuất (giống, phân bón) hoặc liên kết tiêu thụ đầu ra với người trồng lúa. Điều này kéo theo mối quan hệ giữa nhà nông - DN được dịch chuyển theo hướng đôi bên cùng có lợi chứ không bị “vênh” như hiện nay. Đây là nút thắt chính mà CĐML được kỳ vọng là bài toán tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, để CĐML thực sự là “lực đẩy” cho người trồng lúa và “lực hút” với DN thì đã đến lúc các ngành chức năng cũng phải chủ động gỡ giúp CĐML những tồn đọng, vướng mắc, đặc biệt là chính sách kích cầu. Bởi nói như ông Lê Văn Việt - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì: “Dẫu có tiềm năng nhưng nếu thiếu điều kiện phát triển thì mô hình nào cũng sẽ “chết yểu”. Mà CĐML cũng không ngoại lệ”.
Bài, ảnh: MỸ HOA