Trà Bồng: Nỗi lo thiếu quế nguyên liệu

08:08, 19/08/2013
.

(QNg)-  Vài năm gần đây, cây quế Trà Bồng đã lấy lại được thế đứng và trở thành một trong 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Đây là tín hiệu vui để cây quế Trà Bồng phát triển, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy là nỗi lo thiếu nguyên liệu.

TIN LIÊN QUAN

Cách đây hơn chục năm, chỉ cần đặt chân lên mảnh đất Trà Bồng là chúng ta bắt gặp ngay những rừng quế bạt ngàn vì người dân nơi đây xem cây quế là cây “thiêng” và là cây kinh tế chủ lực. Thế nhưng sau những đợt thăng trầm, bị rớt giá thì cây quế đã bị đốn hạ hàng loạt. Người dân địa phương đã không còn mặn mà với cây quế như xưa nữa. Mãi đến tháng 9.2010, cây quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu độc quyền, thì cây quế đã dần lấy lại thế đứng. Thế nhưng nguồn nguyên liệu quế hiện đã không còn dồi dào.

Theo keo, bỏ quế

Để duy trì và phát triển cây quế trên đất Trà Bồng, hằng năm Chương trình 30a cũng đã hỗ trợ cho người dân một số lượng lớn quế giống để trồng. Tuy nhiên, nhiều người nhận ra rằng, so với cây keo thì cây quế không mang lại hiệu quả kinh tế bằng, nên họ đã chọn cây keo làm cây kinh tế chủ lực.

 

Sau khi thu hoạch, người dân mang quế đến các điểm thu mua để bán.
Sau khi thu hoạch, người dân mang quế đến các điểm thu mua để bán.


Anh Hồ Văn Nhất ở thôn 3, xã Trà Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi trồng được 6.000 gốc quế, nhưng tính ra hiệu quả kinh tế vẫn không bằng cây keo. Có thời điểm, tôi chỉ bán được 3.000 – 4.000 đồng/kg quế tươi. Giá quế thấp như thế nên chỉ tính riêng tiền thuê người làm cỏ cho quế cũng không đủ. Trong khi đó thay vì trồng một vụ quế thì tôi có thể trồng được 2 vụ keo, mà giá keo cũng luôn ổn định. Hơn nữa, năm 2012 vừa rồi tự nhiên hàng loạt cây quế đột nhiên bị khô lá rồi chết, gây thiệt hại. Vì vậy đợt này thu hoạch quế xong, gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng keo hết”.

Bên cạnh đó, lâu nay cây quế cũng chỉ được người dân trồng nhỏ lẻ tại nhà chứ chưa có nhu cầu mở rộng. Vì đa số người dân thích trồng keo hơn trồng quế. “So với cây quế thì thời gian thu hoạch keo ngắn lại hiệu quả hơn nên bà con đã chọn cây keo để phát triển kinh tế gia đình. Người nông dân bây giờ chú trọng lợi nhuận trước mắt chứ chưa thể tính chuyện lâu dài”, ông Nguyễn Thế Kiều – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Bồng cho biết.

Mặt khác, sự xuất hiện của cây quế phía Bắc cũng làm cho diện tích cây quế bản địa bị thu hẹp. Bởi lẽ cây quế miền Bắc thời gian thu hoạch ngắn hơn. Hơn nữa vỏ của cây quế miền Bắc cũng láng mịn hơn, thuận lợi trong việc làm đồ thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, nói về chất lượng tinh dầu thì không có loại quế nào sánh được quế Trà Bồng. Đây chính là điều làm nên thương hiệu đặc trưng của quế Trà Bồng.

Cần xây dựng vùng chuyên canh quế nguyên liệu

Ông Nguyễn Đức Lương – Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng cho biết: Việc quế Trà Bồng được lọt vào Tốp 10 đặc sản thiên nhiên của Việt Nam là cơ hội để thương hiệu quế Trà Bồng khẳng định và lan xa hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo rằng một khi thị trường được mở rộng mà chúng ta vẫn chưa xây dựng được một vùng chuyên canh nguyên liệu quế thì sẽ rất khó. Hiện tại Công ty vẫn duy trì giá đầu vào để khuyến khích nông dân trồng quế, nhưng trong thời gian dài thì Công ty không thể đáp ứng được. Vì vậy cần phải có cơ chế để chính quyền cùng với doanh nghiệp gánh vác trách nhiệm này.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng: Cây quế là cây truyền thống của Trà Bồng nên huyện luôn chú trọng đến việc phát triển. Hiện tại huyện tập trung chỉ đạo phát triển 2 loại cây phù hợp với vùng đất Trà Bồng là quế và keo. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, cây keo đang được người nông dân ưa chuộng hơn cây quế do sớm mang lại lợi nhuận. Vì thế trong tương lai huyện phải tính đến việc xây dựng vùng chuyên canh cây quế. Nhưng muốn được như thế thì cần có những cơ chế chính sách để khuyến khích người dân. Hy vọng, khi thương hiệu đã có, giá thành sản phẩm từ quế được nâng lên thì giá quế cũng sẽ cao hơn…

Dọc các con đường về các xã của huyện Trà Bồng – Tây Trà, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, rừng quế không còn bạt ngàn như xưa nữa, mà thay vào đó là rừng keo đã dần lấn chiếm, nhất là những nơi đất bằng phẳng, gần đường. Như vậy, trong tương lai gần, nếu không quy hoạch, xây dựng được vùng chuyên canh quế, thì e rằng, nguồn quế nguyên liệu sẽ bị cạn kiệt…


    Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.