Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Cần nhưng không vội

03:07, 16/07/2013
.

(QNg)- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu...

TIN LIÊN QUAN


 Toàn tỉnh hiện có 73.489 ha sản xuất lúa/năm, sản lượng thóc đạt 406.422 tấn. Trong số này, chỉ có 69.250 ha lúa chủ động được nước tưới, số còn lại phải… đợi mưa nên hiệu quả sản xuất cũng phụ thuộc vào trời. Ngay trong vụ hè thu 2013, dự kiến toàn tỉnh có đến 2.500 ha diện tích trồng lúa phải bỏ hoang hoặc “nhường” cho bắp, đậu phụng, mè và các loại cây rau màu.

Chuyển là cần thiết…

Đức Phú (Mộ Đức) là một trong những xã dẫn đầu tỉnh về diện tích cũng như hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Loại cây mà người dân nơi đây dùng để thay thế cho 66 ha lúa là bắp, đậu phụng và mè. Lý giải sự lựa chọn này, ông Đoàn Văn Khánh- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng: “Đó là vì những sản phẩm này không căng thẳng về đầu ra”. Nhận định này hoàn toàn đúng bởi cả đậu phụng, mè và bắp được xem là nhu yếu phẩm của con người lẫn gia súc, gia cầm. Thế nên, nếu sản phẩm được giá, nông dân có thêm thu nhập; còn không thì tích trữ làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.

Cây bắp được nông dân xã Đức Phú (Mộ Đức) lựa chọn để thay cho lúa trên phần diện tích bị động về nước tưới.
Cây bắp được nông dân xã Đức Phú (Mộ Đức) lựa chọn để thay cho lúa trên phần diện tích bị động về nước tưới.


Có lẽ với tính toán này mà nhiều năm qua, hàng loạt diện tích lúa chân ruộng xấu, bạc màu hay sống nhờ nước trời với năng suất ở mức 40 - 45 tạ/ha đã bị  bắp, đậu phụng và mè thế chỗ. Điều đáng nói là, một vụ lúa chỉ đứng 1 lứa, nhưng các loại cây trên lại được 2 nhờ nông dân áp dụng các biện pháp xen canh. Cách làm này giúp hiệu quả tăng gấp đôi trên cùng một diện tích, mà lại ít tốn chi phí sản xuất cũng như công chăm sóc. “Mỗi lứa bắp đạt 40 tạ/ha, đậu phụng 35 tạ/ha và mè 14 tạ/ha thì chúng tôi cũng lãi được 1-5 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với lúa”, ông Nguyễn Hồng Sơn ở thôn Phước Thuận khẳng định.

Đồng quan điểm với nông dân Đức Phú, nhiều địa phương có diện tích sản xuất lúa bị động về nước tưới cũng khẳng định rằng, việc chuyển đổi là cần thiết. Bởi hiện nay, tình hình thiên tai, hạn hán ngày càng khốc liệt khiến cây lúa sống "nhờ trời” gặp quá nhiều bất lợi, rủi ro. Do đó, ngay trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt mới đây cũng chỉ rõ, lựa chọn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên phần diện tích canh tác lúa bấp bênh là hướng đi tất yếu, đảm bảo tính bền vững nhằm gia tăng giá trị và tạo chiều sâu cho sản xuất nông nghiệp.   

Phải có “cửa ra” cho sản phẩm

Diện tích trồng bắp toàn tỉnh hiện nay khoảng 10.596 ha/năm, sản lượng đạt 55.284 tấn; cây đậu phụng 5.643 ha/năm, sản lượng đạt 12.200 tấn. Những con số trên cho thấy, cây bắp và đậu phụng đang chiếm được cảm tình của nông dân vì hiệu quả sử dụng “2 trong 1” của chúng. Thậm chí ngay trong nội dung của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, cây bắp cũng dành được nhiều sự ưu ái. Lý do, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay của chúng ta phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Thế nên, nếu bán lúa mua bắp hay đậu nành thì lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, mà lại tốn công. Do đó, trong phạm vi diện tích cho phép, việc hoán đổi vị trí giữa lúa với bắp và các loại đậu được xem là giải pháp đảm bảo hài hòa về lợi ích cho nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, việc chuyển đổi này ở Quảng Ngãi đang diễn ra theo kiểu tự phát. Nghĩa là, lúa không sống nổi khi gặp hạn hán, thì nông dân mới chuyển đổi sang cây trồng khác. Điều này dễ dẫn đến chuyện sản phẩm thừa cục bộ do nguồn cung đột ngột tăng trong thời gian ngắn. Ngược lại, nếu quy hoạch và chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa (khoảng 4.200 ha/năm) không chủ động nước tưới sang các loại cây trồng khác thì với phần sản lượng tăng lên ai sẽ giúp nông dân tiêu thụ, khi mà việc chế biến, liên kết tìm đầu ra lâu nay còn bị bỏ ngỏ? Đó là chưa kể hiện giờ tình hình chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo đàn gia súc, gia cầm giảm, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu thụ thức ăn bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thiết nghĩ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa bấp bênh là chủ trương đúng đắn, đảm bảo hiệu quả canh tác từ chính giá trị sản phẩm chứ không phải căn cứ theo diện tích. Nhưng để việc hoán đổi này thực sự mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, cũng như kho lương thực của quốc gia được đảm bảo thì bên cạnh việc lựa chọn loại cây để thay thế, trước hết các ngành chức năng cũng phải “mở” được “cửa ra” cho sản phẩm.  


    Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.