(QNg)- Cho đến ngày hôm nay, những con tàu gỗ vượt ngàn hải lý vẫn được thiết kế và đóng mới bởi người thợ chân đất ở làng chài. Ông Nguyễn Tấn Viện ở xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) có thể xem là một "nghệ nhân" đóng tàu trong gia đình 4 đời chuyên đóng ghe, tàu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"KỸ SƯ" LÀNG CHÀI
Ông Viện với cuốn bí kíp đóng tàu vỏ gỗ |
Năm nay 84 tuổi, ông Viện đã dành 50 năm để rong ruổi khắp mọi nơi theo nghiệp đóng tàu. Bí kíp thì người ta giữ gìn cẩn mật, nhưng với ông thì "cái quyển sách vẽ chi tiết để đóng một con tàu giờ đã cũ rồi. Hiện nay người ta đóng tàu to hơn thời của tôi, gia cố thêm những bộ phận làm cho khung tàu chắc chắn hơn". Ông Viện đã lưu giữ cuốn sổ ngót nửa thế kỷ.
Trong cuốn vở ghi chép, ông Viện vẽ tỉ mỉ chi tiết của từng bộ phận ráp nối trên một thân tàu như: Máy 20 đầu xanh, máy 3 lốc đầu bạc, kích thước của từng bộ phận nhỏ nhất. Mỗi bản vẽ là một con tàu hoàn chỉnh... Theo ông, bản vẽ này vẫn là một trong những công thức căn bản để đóng tàu gỗ. Tài liệu về đóng tàu công suất lớn, ông bắt đầu tỉ mỉ ghi chép lại vào năm 1963. Gia đình 4 đời chuyên đóng ghe, tàu. Ban đầu là đóng ghe mê đơn giản. Ông nội của ông Viện là một người thợ đóng ghe cho làng chài ở cửa biển Cổ Lũy.
Sau năm 1954, ngư dân làng chài đã bắt đầu sử dụng động cơ thay cho cánh buồm. Ông Thiện Tín và ông Vinh Vấn, hai người giàu có trong làng mời thợ giỏi ở các nơi về đóng con tàu gỗ đầu tiên. Và ông Viện tức tốc học nghề, đặt đà đóng tàu gỗ chạy bằng sức máy. Ông Huỳnh Đồng, một lão ngư giàu có trong làng thuê ông đóng chiếc tàu đầu tiên được trang bị máy 6 lốc. Tàu có chiều dài 17 mét, tiêu tốn hết 30 khối gỗ tốt. 40 thợ đóng ghe mê được ông truyền nghề bằng bản vẽ ngay tại bãi đà. Vận dụng kiến thức đã học, ông sáng tạo và vẽ thiết kế để bổ sung thêm nhiều chi tiết làm cho con tàu trông có dáng đẹp, chạy rẽ nước tốt, chở nặng nhưng gặp gió vẫn không bị tròng trành mạnh.
Ông Đỗ Tấn Tự - nguyên Phó Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Ngãi bảo rằng: "Đừng gọi họ là thợ đóng tàu, phải tôn vinh và gắn cho họ danh hiệu "nghệ nhân". Bởi có tàu đóng theo yêu cầu của kỹ sư, đóng xong chạy lệch một bên. Còn mấy ông thợ làng chài, trông bộ dạng lấm lem nhưng đóng tàu nào ra tàu đó".
ĐÓNG TÀU TIỀN TỶ RA BIỂN LỚN
Tại triền đà ở Cổ Lũy, quê hương của nghệ nhân đóng tàu Nguyễn Tấn Viện đang tấp nập vào mùa đóng mới những con tàu công suất lớn. Tại Hợp tác xã đóng tàu Nghĩa Phú, một chiếc tàu vỏ gỗ lớn đang được đóng mới trên ụ. Chiếc tàu này có chiều dài 25 mét, chiều ngang 6,5 mét. Đó là tàu vận tải trên 150 tấn. Ông Tùng, một người từ Thanh Hóa vào đặt thợ Quảng Ngãi đóng theo kiểu tàu cá dân gian. Cứ mỗi năm bãi đà này tiếp nhận trên 60 chiếc tàu đóng mới. Trên thân tàu, những tấm gỗ lớn và dày, nhưng khi ốp lại thì khít như mảnh ghép của những khớp nối. Để làm được điều đó, những người thợ đóng tàu phải có con mắt tinh tường và đôi tay khéo léo. Bởi gỗ ốp vào không vừa, bị hở, phải cưa đục khá nhiều, chủ đóng tàu thường hay nóng ruột.
Chiếc tàu công suất lớn của ngư dân tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị xuống nước. |
Thợ đóng tàu ở Quảng Ngãi khá nổi tiếng. Ngư dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị năm nào cũng vào đặt đóng hàng chục chiếc tàu công suất lớn tại bãi đà này. Đầu tháng 11/2012, triền đà đã nhận được đơn đặt hàng một lúc 10 chiếc tàu lớn của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Trần Huỳnh - Chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu Cổ Lũy cho biết: "Riêng một chiếc tàu Thanh Hóa tiêu tốn khoảng 85 khối gỗ, có đến 3 ông thợ cả dẫn quân tới để gấp rút hoàn thành sớm con tàu". Chiếc tàu này phần vỏ gỗ đã trị giá 1,5 tỷ, máy khoảng 700 triệu. Tàu to, nhưng chỉ 3 tháng là được thợ đóng hoàn thành.
Hơn nửa thế kỷ, từ ngày nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện đặt đà đóng những con tàu lớn, quê ông giờ đã trở thành làng đóng tàu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Cả xã có hơn 100 thợ đóng tàu lành nghề. Một con tàu gỗ có tuổi thọ khoảng 15 năm. Giá thành đóng một con tàu không quá cao. Có thể nói, sứ mệnh của những "nghệ nhân" làng chài đóng tàu gỗ vẫn chưa kết thúc. Họ vẫn tiếp tục đóng mới những con tàu lớn để vươn khơi.
Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG