Đóng tàu vươn ra khơi xa- Lực đẩy từ chủ trương đúng

04:04, 20/04/2010
.

(QNĐT) - Hai năm trở lại đây nhờ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ nhiều hộ ngư dân ở xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) đã mạnh dạn đầu tư vốn để đóng mới tàu có công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển và ngư lưới cụ hiện đại để đánh bắt xa bờ.

Vươn ra khơi xa - sự lựa chọn tất yếu
Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa nằm giữa vùng giao thoa giữa hai dòng nước sông Trà Khúc và sông Phú Thọ- một nhánh rẽ của dòng sông Vệ. Trước khi chảy qua Cửa Đại để hòa vào biển cả, vùng ngã ba sông này đã hình thành một khu dân cư sầm uất, trên bến dưới thuyền đêm ngày tấp nập.

Tàu có công suất lớn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Tàu có công suất lớn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Cũng từ ngã ba sông này, trong mấy năm qua, hàng trăm chiếc tàu đánh cá công suất lớn của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Đà Nẵng đã được hạ thủy để chinh phục ngư trường trong Nam ngoài Bắc, vươn ra khơi xa khai thác hải sản dài ngày trên biển và góp phần giữ vững chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Chỉ vào đôi tàu đang sắp sửa hoàn thành với khuôn mặt tràn đầy phấn chấn vì thành quả bao năm lao động và miệt mài tích cóp của mình, anh Nguyễn Vũ (38 tuổi) ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa cho hay: Hiện anh đã ký hợp đồng với nhà cung cấp máy tàu với giá trị hơn 840 triệu đồng để lắp máy có công suất 500 CV/chiếc phục vụ cho nghề giã cào đôi ở ngư trường khơi xa. Tổng chi phí đầu tư cho 2 chiếc tàu này hoàn thiện từ thân tàu, máy tàu đến các thiết bị đi biển hiện đại và ngư lưới cụ để đưa vào sản xuất lên tới gần 2,8 tỷ đồng.

Còn anh Trần Bổn, chủ đôi tàu có tổng công suất 900 CV vừa mới hạ thủy xuống dòng sông Phú Thọ phấn khởi nói: Các thiết bị trên đôi tàu và ngư lưới cụ đã được đầu tư sắm sửa mới hoàn toàn và đang được kiểm tra lần cuối, hiện tại đôi tàu này chỉ còn việc được các ngành chức năng kiểm định và cấp biển kiểm soát là nổ máy tiến thẳng ra khơi.

Ở các xã vùng ngã ba sông này như Nghĩa Phú, Nghĩa An bây giờ đã có đến hàng chục hộ gia đình thanh niên như Nguyễn Vũ, Trần Bổn mạnh dạn đầu tư sắm từ 2 đến 3 đôi tàu có công suất từ 450 CV đến 500 CV/chiếc để hành nghề giã cào ở ngư trường khơi xa.

Bình quân một đôi tàu có tổng công suất từ 900 CV đến 1000 CV có vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng nhưng nếu trời yên biển lặng thì chỉ khoảng 3 năm là thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu, Chủ nhiệm Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy Phạm Như Huỳnh cho biết.

 Là một người giàu kinh nghiệm trong việc đóng tàu đánh cá, lão ngư Nguyễn Tư bây giờ đã trở thành “cố vấn” đặc biệt cho Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy. Vừa chỉ huy các tốp thợ hoàn thiện các hạng mục cho đôi tàu cá có công suất 500 CV/chiếc, cố vấn Nguyễn Tư cho biết: Chiếc tàu cá tuy to lớn đến chừng nào đi nữa nhưng giữa biển khơi nó trở nên hết sức bé nhỏ, nhất là khi biển động. Do vậy để đảm bảo các tính năng an toàn kỹ thuật trước khi hạ thủy mỗi con tàu là điều kiện bắt buộc tối cần thiết.

Đóng một con tàu cá hoạt động ở ngư trường xa bờ và bám biển dài ngày phải trải qua 8 công đoạn chính. Vào một ngày đẹp nhất trong tháng, chủ tàu chọn cây gỗ nguyên khối loại tốt rồi thành kính đặt xuống hệ đà để làm long cốt cho con tàu. Long cốt được chỉnh sửa xong, các tốp thợ, mỗi người một việc tiến hành lắp đặt hệ đà, lắp đặt be tàu.

Khi be tàu đủ chớm nước theo quy định mới được phép tiến hành lắp đặt giàn gian, tức là khung xương của thân tàu. Khung xương của thân tàu đã ổn định mới được phép lắp đặt hệ thống then hạ.

Hệ thống then hạ có nhiệm vụ giữ ổn định bề ngang cho thân tàu trước sự tác động của sóng biển trong qúa trình di chuyển và hành nghề ở khơi xa sóng gió bất thường. Khi hệ thống then hạ được kiểm tra đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, người thợ cả mới chỉ huy lắp đặt vỏ tàu, lắp đường pô ở hai bên thân tàu để làm nhiệm vụ cân bằng thân tàu...

Thời gian đóng mới một con tàu kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Trong quá trình thi công toàn bộ các hạng mục của con tàu nhất thiết phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát hết sức ngặt nghèo của cán bộ kỹ thuật và của các thợ cả. Bất cứ một chi tiết nào dù nhỏ đến mấy nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật đều bị cương quyết loại bỏ.

Các yêu cầu khắc khe về tiêu chuẩn kỹ thuật được duy trì trong nhiều năm qua là yếu tố hàng đầu để làm nên thương hiệu Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy. Đây cũng là lời giải đáp vì sao không chỉ nhiều ngư dân ở Quảng ngãi mà ngày càng có nhiều ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa đã chọn Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy để gửi niềm tin vươn ra khơi xa bám biển dài ngày của mình.

Lực đẩy từ chủ trương đúng
Đã từng tốt nghiệp ngành kỹ thuật cơ khí rồi tình nguyện đi làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, bây giờ là Chủ nhiệm Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy qua nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, anh Phạm Như Huỳnh- Chủ nhiệm Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy “khoe”: Năm 2009 vừa qua chúng tôi hạ thủy 30 chiếc tàu có công suất mỗi chiếc từ 450 CV đến 500 CV. Quý một năm nay chúng tôi đã hạ thủy 10 chiếc, phấn đấu cả năm 2010 này hạ thủy 40 chiếc tàu được đóng mới và cũng chừng ấy tàu thuyền được sửa chữa đã ký hợp đồng với chủ tàu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận và Thanh Hóa.

Đôi tàu có tổng công suất 900CV của anh Trần Bổn vừa mới hạ thuỷ
Đôi tàu có tổng công suất 900CV của anh Trần Bổn vừa mới hạ thuỷ
Hợp tác xã có 120 lao động cơ hữu, vào chính vụ số lao động tăng lên đến hơn 200 người. Việc làm ổn định, thu nhập khá nên tất cả mọi thành viên trong đơn vị đều yên tâm sản xuất. Người thợ cả làm việc tại Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy có thu nhập 7 triệu đồng mỗi tháng, thợ có tay nghề thấp hơn có mức lương từ 4 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại chúng tôi đã có đủ việc làm ổn định cho cả năm, Chủ nhiệm Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy Phạm Như Huỳnh cho hay.

Anh cho biết thêm, hai năm trở lại đây nhờ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ nên nhiều hộ ngư dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để đóng mới tàu có công suất lớn và trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển và ngư lưới cụ hiện đại chuyên hành nghề giã cào đôi ở ngư trường từ Quảng Ngãi đến Hoàng Sa, Trường Sa, Cát Bà.

Trước đây người dân vay vốn theo cơ chế tín chấp làm ăn kém hiệu qủa bao nhiêu thì bây giờ nguồn vốn vay theo cơ chế thế chấp và được hỗ trợ lãi suất của Chính phủ lại có hiệu quả bấy nhiêu. Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã tiếp thêm sức lực để bà con mạnh dạn cải hoán tàu cũ thành tàu mới hoặc đóng mới tàu có công suất lớn và dịch vụ hậu cần đi kèm, đủ sức bám biển dài ngày.

Có thể khẳng định rằng chủ trương kích cầu để thúc đẩy sản xuất phát triển của Chính phủ đã tạo nên động lực có sức đẩy mạnh để đưa đoàn tàu đánh cá có công suất lớn của ngư dân vững vàng tiến ra biển lớn, Chủ nhiệm Phạm Như Huỳnh ví von.

Mỗi đôi tàu có công suất từ 450 CV đến 500 CV hộ ngư dân được vay hỗ trợ lãi suất trên dưới 500 triệu đồng, phần còn lại là vốn tự có hoặc huy động hùn vốn trong gia đình, anh em. Khi đóng mới tàu có công suất lớn, ngư dân còn được hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm con người và bảo hiểm thân tàu. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần kích thích người dân ở vùng sông nước này mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn.

Cũng nhờ việc đóng tàu lớn đi ra ngư trường khơi xa đem lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con ngư dân đã tự loại bỏ tàu thuyền có công suất nhỏ và mấy năm trở lại đây Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy cũng không còn ký hợp đồng nào đóng tàu có công suất dưới 90 CV.

Hai xã ven biển Nghĩa An và Nghĩa Phú bây giờ đã có gần 1.000 chiếc tàu đánh cá, trong đó có hơn 2/3 tàu thuyền chuyên hoạt động dài ngày ở ngư trường khơi xa. Đây cũng là những địa phương có đội tàu thuyền chủ lực của tỉnh Quảng Ngãi và khá hùng mạnh so với các tỉnh, thành trong khu vực.

Cái khó của Hợp tác xã tàu thuyền nghĩa Phú bây giờ là mặt bằng để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên với chiến lược đầu tư dài hơi hợp lý của mình, Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy đã được chính quyền địa phương đồng ý cho thực hiện dự án được xem là một công đôi việc: Bơm cát từ lòng sông Phú Thọ để vừa nạo vét luồng lạch vừa tận dụng lượng cát này để san lấp, mở rộng diện tích nhà xưởng thêm khoảng 3.000 mét vuông, đồng thời góp phần cải thiện đáng kể vấn đề môi trường môi sinh ở vùng sông nước, dân cư sầm uất này.

Ý tưởng “nâng cấp” Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy trở thành Công ty TNHH một thành viên đã hình thành trong tư duy của Chủ nhiệm Phạm Như Huỳnh và nhiều hộ thành viên.

                            Bài, ảnh: Đoàn Hữu Trung

.