"Nhạc trưởng" ở xưởng đóng tàu Bình Châu

05:08, 01/08/2012
.

(QNg)- Ông Lê Can, 44 tuổi, trú xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) đã có thâm niên 27 năm cầm đục, cưa, bào… đóng hàng trăm chiếc tàu đánh bắt cá xa bờ. Ông được anh em thợ mộc ở xưởng đóng tàu Bình Châu (Bình Sơn) tôn làm "sư phụ".

TIN LIÊN QUAN


Những ngày cuối tháng 7, tại xưởng đóng tàu Bình Châu, hàng chục chiếc tàu đóng dang dở bộ sườn nằm ngổn ngang, có chiếc đã nên hình nên dáng.

Duyên nợ với nghề


Vừa dùng búa đóng bộ phận bu lon của hệ thống lắp đặt chân vịt cho con tàu 450CV đang được đóng mới, ông Can không quên nhiệm vụ nhắc nhở anh, em thợ mộc cẩn thận từng li từng tí cho việc đo và đóng áp mạn thân con tàu bên cạnh. "Cẩn thận ở mạn bên phải, cân cho mặt nước bằng tuyệt đối, không được sai một centimet nào, nếu không thì khi cân chân vịt sẽ không bao giờ chuẩn, con tàu sẽ bị lệch khi hạ thủy" - ông Can cho biết.

Những công việc khó đều do một tay


Chiếc áo nhễ nhại mồ hôi, sau một hồi hết quỳ, rồi nằm ngửa mặt nhìn lên thân tàu đục gõ, ông Can cho biết, ông vào nghề năm 17 tuổi. "Đó cũng là cơ duyên nó đến với mình thôi. Tôi nghĩ trên đời này cái gì cũng có một sự sắp đặt ngẫu nhiên. Và cái nghề… đóng tàu  đến với tôi cũng là một sự tình cờ" - ông tâm sự.

Số là khi học hết cấp 2, cuộc sống gia đình khó khăn, ông Can bỏ ngang chuyện học lao đầu vào các công việc làm thuê, làm mướn kiếm chén cơm ăn qua ngày. Thế nhưng làm vùi đầu và ruột thì đói, nhưng công việc thì vẫn cày sâu cuốc bẫm. Buồn! Ông bỏ đi lang thang một thời gian, mưu sinh tứ xứ. Chán ngán ông lại trở về quê.

Theo cha, cụ Lê Nhâm một ông tổ của nghề đóng tàu ở làng chài Ba Làng An ra bến thuyền đục gõ cho khuây khỏa những tháng ngày cô đơn nơi xứ người. Dần dà những đường vân gỗ, những cái rìu, cái búa, cây đinh và hình dáng những con tàu đã ăn sâu vào máu thịt của chàng thanh niên trẻ, để rồi duyên nợ với nghề đóng tàu đã theo chân ông Can hơn nửa cuộc đời…

Ngồi nhìn con tàu 450CV vừa hoàn thiện bộ khung, chờ sơn mới và đăng ký thủ tục kê khai số hiệu với cơ quan chức năng là có thể hạ thủy rẽ sóng vượt đại dương, ông Can bảo, ngày đầu đến với nghề chẳng khác nào một hình thức… tra tấn, bởi bên tai lúc nào cũng tiếng lộc cộc của búa, của cưa xẻ ván. "Nhưng rồi dần dà nó quen và tôi ghiền cái nghề mà cha tôi truyền lại. Từ dạo đó tôi bắt đầu học hỏi kinh nghiệm từ cha mình nhiều hơn và nhanh chóng hoàn thiện những kĩ năng cơ bản để đóng một con tàu. Nhờ có cha mà nay tôi mới có nghề này lận lưng nuôi con ăn học" - ông Can tâm sự.
    
Mơ đóng những con tàu vượt trùng khơi

Gần 30 năm ăn nằm với những giấc mơ mang hình… con tàu vượt đại dương, ông Can rút ra cho mình một triết lí sống theo đúng nghĩa anh thợ mộc mộc mạc, chất phát. "Nghề nào cũng vậy cậu à. Ban đầu mới tập tềnh học chẳng khác nào tuổi vỡ lòng đọc ê a từng chữ cái vậy. Cầm cái bào, cây thước, cái cưa… phải cân nhắc thật chắc chắn, đục đẽo sao cho thật vuông vắn để khi ráp ván vào là vừa khít chứ không là những tấm ván tiền trăm ngàn dễ trở thành… củi đốt bếp như chơi. Cái nghề đóng tàu nó cần phải tỉ mỉ và kiên trì, chỉ có ai yêu nghề mới bám trụ được, còn không thì rất khó. Nghề  dạy nghề cả thôi".

Là một "nhạc trưởng" ở xưởng đóng tàu nên công việc của ông Can tương đối bận rộn. Nhiều lúc đang chỉ đạo anh em thợ chiếc thuyền đang cân nước bộ khung đế tàu thì từ tàu bên kia vọng ra tiếng "cầu cứu" của anh em thợ khi gặp  sự cố nhỏ nào đó và không thể khắc phục được. Chỉ đến khi đôi tay của ông Can rờ vào thì đâu lại vào đấy.

"Chú ấy nhìn vậy chứ dễ tính lắm, cái gì anh em tụi tui không biết, hoặc chú nói rồi mà làm không được chú ấy sẵn sàng chỉ lại lần hai. Việc gì khó là chú ấy cầm tay chỉ việc một cách tận tình chứ không như nhiều người hay giấu nghề" - thợ mộc Phạm Đức nói.

Chiều xuống, nơi bến thuyền các ngư dân đang cho tàu về neo đậu chờ sửa chữa sau những ngày vượt ngàn con sóng nơi trùng khơi, có chiếc bị sóng đánh cho tơi tả, có chiếc trở về sau phiên biển bị va vào rạng san hô suýt chìm trên biển. Nhìn những con tàu trở về bến cảng, ông buông tay, tựa lưng vào mạn tàu làm một ngụm trà đắng ngắt nhìn xa xăm về phía biển bảo, ước mơ lớn nhất của ông lúc này đó là được đóng những con tàu từ 800CV trở lên. "Ban đầu tôi chỉ đóng thuyền 30 đến 50CV, nhưng giờ tôi muốn đóng những con tàu hàng trăm thậm chí cả ngàn CV trở lên. Chỉ có tàu lớn chúng ta mới đánh bắt được thật nhiều cá, ngư dân mới an toàn mỗi khi gặp bão tố và quan trọng hơn chúng ta khẳng định được chủ quyền Việt Nam trên biển. Nhưng hiện giờ ngư dân mình còn nghèo nên chỉ đóng tàu từ 550CV trở lại. Tôi ước mơ thì vậy nhưng túi tiền của các chủ tàu đâu cho phép nên đành… ước mơ vậy đó" - ông Can nói mà đôi mắt đượm buồn.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.