(QNg)- Vấn đề quản lý sản xuất và kinh doanh rau, quả thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện Sơn Tịnh hiện còn nhiều bất cập, diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho người tiêu dùng. Do đó, việc xây dựng đề án sản xuất và tiêu thụ rau, quả thực phẩm an toàn ở huyện là hết sức cần thiết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã hình thành mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh thực hiện) đạt kết quả tốt, mang lại niềm tin cho nông dân, nhất là mô hình thực hiện tại 2 xã Tịnh Long, Tịnh Châu. Từ năm 2010 - 2011, Nhà nước đã đầu tư thực hiện mô hình trình diễn sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Sơn Tịnh với quy mô 2 ha canh tác, 8 ha gieo trồng/2 năm. Tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách là khoảng 200 triệu đồng.
Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Tịnh Long. |
Qua phân tích kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng rau, quả trong mô hình trình diễn của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III, các chỉ tiêu dư lượng đạm Nitrat, dư lượng thuốc BVTV, nhiễm khuẩn E.Coli, Salmonella, coliforms không phát hiện hoặc đều đạt dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn VietGap. Thu nhập bình quân đạt hơn 75 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài thị trường tiêu thụ trong huyện, thì các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt Khu Kinh tế Dung Quất là nguồn tiêu thụ chính.
Tuy nhiên, xét về chất lượng rau cũng như nhu cầu về rau an toàn thì khả năng đáp ứng hầu như không đáng kể. Hiện tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi cũng như KKT Dung Quất vẫn phải nhập một lượng rau rất lớn từ Đà Lạt. Do đó cần xây dựng phương án phát triển cũng như quy hoạch các vùng phát triển rau an toàn trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Sơn Tịnh nói riêng, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng cung ứng rau an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trước tình hình trên, huyện Sơn Tịnh đã tập trung xây dựng Đề án sản xuất và tiêu thụ rau, quả thực phẩm an toàn giai đoạn 2012-2015. Theo định hướng, đến năm 2015, quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh rau an toàn của huyện là 40 ha, diện tích gieo trồng 60 ha rau các loại; sản lượng rau, quả thực phẩm an toàn đạt 3.120 tấn; năng suất các chủng loại rau, quả an toàn đạt bình quân 19,5 tấn/ha/vụ, trong đó, tập trung chủ yếu các loại rau, quả như khổ qua, dưa leo, đậu côve, đậu đũa, cà, bí đao chanh, cải, xà lách, rau muống, hành, mồng tơi, rau má, dền, đậu bắp, hẹ, rau gia vị. Địa điểm thực hiện đề án tập trung ở các xã: Tịnh An (5 ha); Tịnh Châu (10 ha); Tịnh Long (15 ha) và thị trấn Sơn Tịnh (10 ha) nằm trong vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn của tỉnh.
Quá trình tổ chức sản xuất được xây dựng và hoàn chỉnh bộ quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ rau, quả thực phẩm an toàn; Trạm Khuyến nông huyện trực tiếp tập huấn kỹ thuật, giám sát, theo dõi tình hình sản xuất của bà con nông dân, để kịp thời chấn chỉnh những sai lệch trong khâu sản xuất; hộ nông dân sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định sản xuất và tiêu thụ rau, quả thực phẩm an toàn. Riêng UBND các xã Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh An và thị trấn Sơn Tịnh có kế hoạch và lập phương án thực hiện quy hoạch, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất hoàn chỉnh như: Kênh mương tưới tiêu, giao thông nội đồng, hệ thống điện trình UBND huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Việc thực hiện Đề án thành công sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường cao. Góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người nông dân, tạo việc làm ổn định cho lao động vùng chuyên canh. Đặc biệt sẽ chuyển đổi một số diện tích lúa, màu kém hiệu quả và kém bền vững sang trồng rau an toàn theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, có hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Qua đó góp phần thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Có thể nói quy hoạch, phát triển vùng sản xuất rau an toàn của huyện là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là tiến đến xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kim Cúc - Như Đồng