Triển vọng từ mô hình sản xuất rau an toàn ở Sơn Tịnh

08:01, 05/01/2011
.

(QNg)- Để giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất rau truyền thống sang hướng sản xuất rau an toàn, trong năm 2010, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ViệtGap. Mô hình được thực hiện ở 2 xã Tịnh Long và Tịnh Châu, bước đầu đã đem lại hiệu quả khả quan cho nông dân.

Mô hình trình diễn sản xuất rau an toàn được Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh chọn thực hiện ở xứ đồng Hộ Cơ, Cơm Khách (xã Tịnh Long) và xứ đồng Sa Kiều, Rộc Bài (xã Tịnh Châu). Tổng số hộ tham gia mô hình qua 4 vụ năm 2010 là 107 hộ dân, trên diện tích 40.000m2, sản xuất chủ yếu các loại rau như khổ qua, dưa leo, đậu đũa, cà, bí đao chanh, đậu cô ve, cải, xà lách, mồng tơi, rau muống, hành, hẹ, rau thơm, rau má, rau dền.
 
 
Mô hình sản xuất rau an toàn năm 2010 ở Tịnh Châu.
Mô hình sản xuất rau an toàn năm 2010 ở Tịnh Châu.
Trong thời gian thực hiện mô hình, Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Ngoài ra Trạm còn trực tiếp mua và cấp phát giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho nông dân vào đầu mỗi vụ sản xuất. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trên 87 triệu (Nhà nước hỗ trợ trên 39 triệu đồng, nông dân đóng góp trên 48 triệu đồng).

Thấy được lợi ích và hiệu quả từ mô hình sản xuất rau an toàn đem lại, ở vụ 4 này hộ ông Trương Quang Hưng (thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long) đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 triệu đồng để trồng hành và xà lách, trên diện tích 800 mét vuông ở xứ đồng Hộ Cơ.

Trong những năm trước, gia đình ông sản xuất rau theo phương thức truyền thống, nay nhờ thực hiện theo quy trình sản xuất rau an toàn của Trạm khuyến nông huyện, nên ông đã dần biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đảm bảo sức khỏe người sử dụng rau. Sản phẩm rau khi thu hoạch được Trạm tiến hành gửi mẫu cho Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm sản phẩm theo hợp đồng khoa học.
 
Khi có kết quả kết luận là sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn của ViệtGap, mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Nguồn rau này được đặt ở quày bán rau an toàn tại chợ Hàng Rượu (thị trấn Sơn Tịnh). Đây là quày bán sản phẩm rau an toàn duy nhất trên địa bàn huyện Sơn Tịnh trong năm 2010. Hiện nay nhóm rau ăn quả của vụ 4 gồm dưa leo, đậu đũa, bí đao chanh, cà, khổ qua đang sinh trưởng và phát triển tốt, số rau này sẽ được bán trong dịp Tết cổ truyền.

Qua thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan, mô hình cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng sản phẩm rau đảm bảo các tiêu chí cơ bản về rau an toàn. Tổng diện tích thực hiện gieo trồng trong 4 vụ là 4 ha/năm, với 2 nhóm rau ăn quả và rau ăn lá (khổ qua, dưa leo, đậu đũa, cà, bí đao, đậu cô ve, cải, xà lách, mồng tơi, rau muống, hành, hẹ, rau thơm, rau má, dền).

Mô hình sản xuất rau an toàn được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân các loại rau đạt 23,15 tấn/ha/vụ (tăng so với yêu cầu của mô hình đề ra 1,29 tấn/ha), đạt 105,64% và cao hơn so với sản xuất đại trà là 3,15 tấn/ha. Tổng doanh thu của mô hình đạt trên 144.160 ngàn đồng/ha/vụ và nông dân thu lãi trên 110 triệu đồng/ha/vụ (gấp 3,1 lần so với sản xuất lúa). Ông Đào Văn Qui, ở đội 4, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long đầu tư trồng hành và rau má theo hướng sản xuất rau an toàn trên diện tích 330m2, đến nay đã thu hoạch khoảng 6 triệu đồng/vụ.

Mô hình sản xuất rau an toàn không những giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, mà còn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ViệtGap. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm rau an toàn chưa phổ biến. Người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa rau an toàn và rau không an toàn.
 
Ông Phan Quang Hùng - Trưởng trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh cho biết: "Năm 2011 Trạm khuyến nông huyện tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn ở 2 xã Tịnh Long và Tịnh Châu, với diện tích trên 20 ha. Do đó để có cơ sở cho sản xuất 20 ha trước hết là quy hoạch vùng sản xuất, dồn điền đổi thửa, để nông dân có điều kiện sản xuất đáp ứng nhu cầu đầu ra của thị trường".

Có thể nói, huyện Sơn Tịnh triển khai thực hiện mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đã mở ra hướng đi đúng cho việc sản xuất rau, tạo tiền đề cho việc mở rộng dự án vùng chuyên canh rau an toàn, từng bước tạo ra sản phẩm rau an toàn có thương hiệu trên địa bàn huyện. Thực tế đã chứng minh, đây là mô hình có cơ sở khoa học và có tính thực tiễn cao, khẳng định những việc đã làm được của nông dân tham gia mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trong năm 2010.

    Bài, ảnh: Kim Cúc

.