Câu lạc bộ rau an toàn: Hướng đi mới, bền vững của nông dân

10:07, 20/07/2011
.

(QNg)- "Tuy khiêm tốn về diện tích, nhưng rau đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, nhiều người đã thoát nghèo và có tích lũy. Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, tiến đến hình thành vùng sản xuất rau chuyên canh thì việc ra đời của "CLB rau an toàn" chính là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho hành trình ấy" - ông Huỳnh Văn Như - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cho biết.

Liên kết để phát triển

Những ngày này thông tin về việc nhiều nông dân trong xã sắp cho ra đời "CLB rau an toàn" đã trở thành chủ đề chính trong câu chuyện của người dân xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Họ không bàn tán thêm về những nông dân đã đổi đời nhờ trồng rau, mà chỉ thắc mắc vì sao những "vua trồng rau" này vốn đã thừa kinh nghiệm trong sản xuất và làm kinh tế giỏi, nhưng lại thành lập CLB để làm gì?.
 
Sản xuất rau theo hướng an toàn vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Sản xuất rau theo hướng an toàn vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Để giải tỏa những nghi vấn ấy, các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB đã đến gõ cửa từng nhà và giải thích về mục đích của việc hình thành "CLB rau an toàn", do chính nông dân làm chủ. Ông Lý Try - Chủ nhiệm CLB cho hay: Tuy trồng rau mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, (bằng chứng là nhiều người đã cất được nhà, nuôi con ăn học) nhưng cũng chính nghề này lại khiến họ âu lo, thấp thỏm nhất. Bởi lẽ nghề trồng rau chỉ mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, tùy vào mức độ hiểu biết và kinh nghiệm mà canh tác, hiếm khi họ chia sẻ thông tin cho nhau về các loại giống mới, kỹ thuật và thời gian sản xuất…

Do vậy mới có chuyện "người khóc, người cười" do "tôi được anh mất". Hơn nữa từ trước đến nay, người trồng rau chỉ biết cặm cụi sản xuất rồi bán, giá cả cao thấp tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, nên vào mùa thu hoạch rộ có khi người trồng rau lại cười ra nước mắt, vì rau rớt giá, do bị tư thương ép. Do đó việc thành lập CLB chính là chiếc cầu nối để nông dân xích lại gần nhau hơn. Không chỉ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, mà họ còn chủ động liên kết với các đơn vị để được hỗ trợ về kỹ thuật, tìm kiếm các loại giống rau mới năng suất cao, cũng như tranh thủ sự trợ sức từ các công ty giống, phân bón trong việc cung ứng sản phẩm giá rẻ, đạt chất lượng, nhằm giảm áp lực chi phí trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay.

Sản xuất an toàn: Hướng đi bền vững cho rau

Xã Đức Hiệp hiện có gần 10 ha đất bãi bồi dọc theo sông Vệ và sông Thoa. Tuy khiêm tốn về diện tích, nhưng nhờ biết cách sử dụng đất bằng cách xen canh, gối vụ, áp dụng kỹ thuật vào canh tác, đồng thời tận dụng được lớp phù sa màu mỡ do hai con sông bồi đắp, nên nông dân ở hai thôn Nghĩa Lập và Chú Tượng đã đạt hiệu quả sản xuất tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các địa phương khác. Nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên nếu sản xuất liên tục mà không có biện pháp cải tạo đất thì độ màu mỡ của đất sẽ giảm dần, dẫn đến bạc màu. Đặc biệt do áp lực về bài toán lợi nhuận, nên việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bừa bãi đã vô tình gây ra nhiều tác hại: Vừa phá hủy đất, vừa đầu độc sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.

Nói về vấn đề này ông Huỳnh Văn Khanh - nông dân sản xuất rau giỏi chia sẻ: Do hiếm đất, nên làm thế nào để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất luôn là bài toán sống còn với người trồng rau. Vì thế nhiều người đã chọn cách sử dụng các loại phân bón, hay thuốc kích thích để rau phát triển nhanh hơn, xanh mượt hơn. Tuy nhiên họ không biết rằng, chính điều ấy càng làm cho sản phẩm của họ mất dần chỗ đứng trên thị trường, vì bị người tiêu dùng tẩy chay. "Do đó, tập trung tuyên truyền, trang bị kiến thức và hướng dẫn cho người trồng rau biết cách lựa chọn và sử dụng phân, thuốc trong sản xuất rau sao cho an toàn, đúng liều lượng, đảm bảo thời gian phân giải trước khi đưa ra thị trường là nhiệm vụ chính của CLB chúng tôi" - ông Lý Try khẳng định.

Có thể nói việc ra đời của "CLB rau an toàn" do chính nông dân đảm nhận, sẽ là một kênh thông tin gần nhất, sát thực nhất trong việc trang bị kiến thức cho các hộ trồng rau, nhằm khuyến khích họ sử dụng các loại phân, thuốc thân thiện (các chế phẩm sinh học). Đây sẽ là tiền đề sớm đưa "vựa rau" Đức Hiệp trở thành vùng sản xuất rau chuyên canh theo hướng an toàn, bền vững" .

    MỸ HOA

.