Quảng Ngãi: Loay hoay tìm đầu ra cho rau an toàn

01:06, 25/06/2012
.

(QNĐT)- Thời gian qua, thị trường xuất hiện nhiều loại rau chứa các chất độc hại do lạm dụng quá mức thuốc BVTV và phân hoá học. Những tưởng trước thực trạng trên, rau an toàn (RAT) đương nhiên sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người trồng rau vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
 
*Bế tắc đầu ra
 
Những năm qua, cụm từ “Sản xuất RAT” theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam) không còn xa lạ với người dân ở các vùng chuyên canh rau ở tỉnh ta. Đây là hướng đi mới cho phát triển RAT, tạo ra những sản phẩm sạch, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. 
 
Tham gia mô hình, người trồng RAT được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, chăm bón rau, công tác vệ sinh đồng ruộng… Một số loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, thuốc sinh học, thảo mộc cũng được nông dân đưa vào trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng cho cây rau. Song sản xuất đã khó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn khó gấp bội lần.
 
Giữa cái nắng oi ả của những ngày hè, tôi có mặt tại ruộng RAT ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi)- một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh cũng là địa phương đầu tiên áp dụng quy trình sản xuất RAT, trực tiếp trò chuyện với những người dân trồng RAT, tôi mới hiểu được phần nào khó khăn mà họ đang phải đối mặt. 
 
 
AA
Mặc dù các quày RAT được bày bán nhưng số lượng tiêu thụ khá ít.
 
 
Đứng giữa ruộng rau quế xanh mởn, những luống rau vuông vắn như bàn cờ, chị Nguyễn Thị Liên, một trong những hộ tham gia sản xuất theo quy trình RAT cho biết, 6 năm về trước, cũng như bao hộ gia đình khác, gia đình chị là một trong những hộ tình nguyện sản xuất rau theo quy trình RAT. 
 
Quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt, chi phí cao, tốn nhiều thời gian công sức vì phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc nhưng tiêu thụ còn khó hơn. Số lượng tiêu thụ rất ít so với sản lượng rau thu hoạch. Người trồng rau đành phải đem ra chợ bán, mà đã ra tới chợ thì RAT cũng có giá như bao loại rau bình thường khác. Nản chí người trồng rau đành quay lại trồng rau thường. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Nhật Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho hay, năm 2006, được sự ủng hộ của địa phương, HTX RAT xã Nghĩa Dũng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, với 220 xã viên.
 
Thời điểm ấy, HTX đã mở được 3 quầy bán rau an toàn ở TP. Quảng Ngãi. Những ngày đầu, mỗi quày tiêu thụ từ 1,5-2 tạ rau. Những tưởng RAT sẽ được người tiêu dùng đón nhận như một lẽ tất nhiên, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khách hàng thưa vắng dần. Không lâu sau đó, các quầy bán RAT đóng cửa. 
 
Cái khó của HTX RAT Nghĩa Dũng là chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên giá cả bấp bênh, không hơn rau bình thường là mấy, trong khi đó chẳng ai biết nó có an toàn hay không vì chưa có cơ quan chức năng nào chứng nhận, vì thế phải chịu cảnh chết yểu chỉ sau một thời gian ngắn. 
 
Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn do Trạm Khuyến nông Sơn Tịnh thực hiện tại 2 xã Tịnh Long và Tịnh Châu cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Mô hình được triển khai từ năm 2010, với quy mô 2 ha canh tác, 8 ha gieo trồng/2 năm. 
 
Qua phân tích kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng rau, quả trong mô hình trình diễn của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III, các chỉ tiêu dư lượng đạm Nitrat, dư lượng thuốc BVTV, nhiễm khuẩn E.Coli, Salmonella, coliforms không phát hiện hoặc đều đạt dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy vậy, RAT nơi đây cũng chật vật để tìm lối ra. 
 
Để đưa RAT trực tiếp đến tay người tiêu dùng, Trạm Khuyến nông Sơn Tịnh đã mở một quày RAT ở mặt tiền chợ thị trấn Sơn Tịnh với nhiều loại như rau muống, mồng tơi, rau dền, khổ qua, bí đao, rau thơm, bí đao, bí đỏ, cà tím…, nhưng quả thật, nếu chỉ nhìn vào tấm panô “Quày bán RAT” thì các bà nội trợ khó mà tin tưởng đây là RAT.
 
“Mặc dù mô hình đã được công nhận là RAT, nhưng số lượng bán chẳng đáng là bao. Mỗi ngày quày chỉ bán ra được hơn 1 tạ rau, củ quả các loại vì rau của chúng tôi chưa có tem nên nhiều người vẫn còn nghi ngờ về độ an toàn của nó, hơn thế nữa vì trồng RAT không được sử dụng một số loại thuốc kích thích nên màu sắc, hình thức của rau kém bắt mắt hơn rau trồng bình thường nên các bà nội trợ có tâm lý không thích mua”- anh Phan Hoàng Long, chủ quày RAT chia sẻ.
 
*Sớm xây dựng thương hiệu
 
Chênh lệch giá cả, niềm tin của người tiêu dùng, đầu ra cho sản phẩm… là những thử thách mà cây RAT phải vượt qua để tìm chỗ đứng cho mình. Muốn vậy, không còn cách nào khác bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của người trồng rau, phải xây dựng thương hiệu, đặc biệt cần mở rộng quảng bá trên nhiều phương tiện để thu hút người tiêu dùng đến với sản phẩm của mình. 
 
Sau một thời gian dài chật vật tìm lối ra, UBND TP. Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT xã Nghĩa Dũng với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng. Nhà sơ chế RAT cùng hệ thống đường bê tông bàn cờ quanh các vựa rau đang được đầu tư xây dựng. Song song với việc đầu tư mua sắm máy xử lý, phun rửa, khử khuẩn, HTX sẽ tiến tới đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã nhãn hiệu, xây dựng quy trình sơ chế đóng gói đạt tiêu chuẩn thể hiện qua hệ thống mã vạch cho từng loại sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
 
 
aa
Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của người trồng rau, các địa phương phải xây dựng thương hiệu, đặc biệt cần mở rộng quảng bá để thu hút người tiêu dùng. 
 
 
Anh Phạm Út- người trồng rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng chia sẻ: “Nguyện vọng thiết tha của chúng tôi là tìm được đầu ra cho sản phẩm để không phải lao đao cạnh tranh với thị trường, khỏi bị tư thương ép giá. Mong rằng đề án sẽ thành công, cây RAT ở Nghĩa Dũng sẽ có thương hiệu trên thị trường để người tiêu dùng biết đến, để sản phẩm chúng tôi làm ra sẽ bán được giá cao hơn”.
 
Vừa qua UBND xã Nghĩa Dũng đã tổ chức hội thảo “Nhịp cầu nhà nông”, với sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo các siêu thị đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh, ban quản lý các chợ trên địa bàn TP. Quảng Ngãi và các hộ dân tham gia đề án, nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cổ động người tiêu dùng sử dụng RAT, tìm đầu ra sản phẩm RAT, đồng thời khuyến khích người trồng rau sản xuất theo đúng quy trình để đảm bảo cho sức khỏe cho người tiêu dùng.
 
“Một khi đã có thương hiệu, giá trị sản phẩm RAT sẽ được nâng cao, thu nhập của người trồng rau nhờ đó cũng tăng lên. Vì vậy việc đầu tư sản xuất RAT ở Nghĩa Dũng cũng như các địa phương khác rất cần các cơ quan chức năng có các biện pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đầu ra cho sản phẩm”- ông Bùi Nhật Nam bộc bạch.
 
 
Ái Kiều
 

.