Những bất cập trong chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía

11:04, 06/04/2011
.

(QNĐT)- Để ổn định vùng nguyên liệu mía phục vụ ngành công nghiệp chế biến đường của tỉnh, năm 2007 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38 quy định quy chế hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2010. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.
 

Quyết định số 38 của UBND tỉnh ban hành năm 2007, nhưng đến cuối năm 2008 tỉnh mới phê duyệt dự án mẫu. Theo dự án được duyệt, đến năm 2010 phải thực hiện trên 1.900 ha, chiếm 20,65% tổng diện tích mía toàn tỉnh (9.000 ha- diện tích mía năm 2007). Tuy nhiên tỉnh không cân đối được nguồn vốn để bố trí đầu tư, dẫn đến thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.
 
 
Vùng mía chuyên canh ở Phổ Nhơn luôn thiếu nước tưới vào mùa khô do có mương nhưng chưa có trạm bơm
Vùng mía chuyên canh ở Phổ Nhơn luôn thiếu nước tưới vào mùa khô do có mương nhưng chưa có trạm bơm

Về phía Công ty CP Đường đã đầu tư hỗ trợ theo phương thức thoả thuận với người trồng mía để thực hiện các hạng mục cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu mía.

Trong 4 năm (2007-2010), Công ty đầu tư 48 km mương tưới và tiêu, 39km đường giao thông và hàng trăm hạng mục công trình thuỷ lợi, với tổng giá trị đầu tư trên 4,7 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm Công ty còn đầu tư 1,5- 2 tỷ đồng để sửa chữa các tuyến đường giao thông phục vụ vận chuyển mía.

Công ty tham gia thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi huyện Ba Tơ theo hướng sản xuất bền vững, trên quy mô 400 ha, với tổng kinh phí 19,5 tỷ đồng (vốn của dân gần 8 tỷ, vốn của Nhà máy đường Phổ Phong trên 9,4 tỷ).

Hay như dự án hỗ trợ và xây dựng mô hình áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật đồng bộ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung, thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng và dự án  ứng dụng cơ giới hoá một số khâu canh tác mía với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng.
   
Các dự án trên đã và đang góp phần thay đổi  nhận thức về phương pháp canh tác cây mía đối với nông dân và mang lại những lợi ích thiết thực cho các Nhà máy đường.

Ông Võ Thành Đàng- Tổng GĐ Công ty cho biết, Công ty đã đầu tư 60 tỷ đồng từ nguồn vốn của đơn vị để thực hiện công tác cơ giới hoá vùng mía. Đến nay đã tạo nên những vùng sản xuất mía chuyên canh, tập trung có diện tích trên 30 ha ở các xã Tịnh Hà, Bình Trung, Phổ Nhơn, Đức Hoà... Năng suất và chữ đường ở những vùng mía này tăng từ 45 tấn/ha lên 75 tấn, cá biệt có nơi đạt 80 tấn/ha, chữ đường bình quân 11 CCS.

Công tác nghiên cứu, phát triển các giống mía mới được triển khai đồng bộ, với tổng kinh phí trên 46 tỷ đồng. Trong đó, diện tích sản xuất khảo nghiệm 155 ha và diện tích sản xuất thử 1.600 ha. Nhờ đó, giống mía mới được đưa vào sản xuất chiếm 46% tổng diện tích mía toàn tỉnh, trong đó có một số giống mía có triển vọng như ROC 27, K88-92, K88-65, K83-29, QĐ 94-119...

Ông Võ Thành Đàng cũng cho biết, tổng kinh phí Công ty hỗ trợ, đầu tư để phát triển vùng mía của tỉnh từ năm 2008- 2010 là trên 106 tỷ đồng.

* ... nhưng hiệu quả còn thấp
 Đến nay đã kết thúc dự án nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Việc dồn điền đổi thửa chỉ thực hiện được 1.312 ha/1.910 ha (KH được duyệt). Diện tích mía toàn tỉnh giảm gần một nửa so với lúc dự án được duyệt.

 Ngay như Sơn Tịnh, Nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra là phải phát triển 1.200 ha mía, nhưng đến nay diện tích mía còn lại chưa đầy 200 ha, mặc dù huyện đã đầu tư thêm ngoài ngân sách của tỉnh là 50 triệu đồng/ha.
 
Để cơ giới hoá đồng mía có hiệu quả thì phải đẩy mạnh dồn điển đổi thửa.
Để cơ giới hoá đồng mía có hiệu quả thì phải đẩy mạnh dồn điển đổi thửa.

Các HTX chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi phần lớn hoạt động kém hiệu quả. HTX Tịnh Giang lúc đầu thành lập có 215 hộ trồng mía với diện tích gần 80 ha, nay còn khoảng 90 hộ làm mía với diện tích 40 ha. HTX Tú Sơn cũng đang trong tình trạng trên.

Riêng HTX mía Phổ Nhơn (Đức Phổ) hoạt động tuy có hiệu quả nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều hệ thống thuỷ lợi được Công ty CP Đường đầu tư bạc tỷ nhưng chưa phát huy hết tác dụng.
   
Số dư nợ đầu tư luỹ kế của người trồng mía đối với Công ty CP Đường tính đến cuối năm 2010 trên 54 tỷ đồng, với diện tích tương ứng 4.808 ha. Dự kiến trong vụ ép này Nhà máy sẽ thu hồi nợ đầu tư là 40 tỷ đồng, còn lại 14 tỷ đồng sẽ phân khai thu sau, gây bức xúc trong một bộ phận người dân.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị Công ty CP Đường Quảng Ngãi dừng ngay việc thu hồi kinh phí tạm ứng cho người trồng mía từ tiền bán mía niên vụ 2010-2011. Nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi báo cáo trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh, không được đơn phương quyết định thu các khoản nợ nói trên.

Ông Đàng khẳng định, việc nhà máy thu hồi nợ đầu tư mía là việc làm đúng cam kết và thoả thuận trong hợp đồng giữa nông dân với nhà máy. Vả lại, đến nay qua 3 vụ sản xuất, hợp đồng giữa nông dân với Nhà máy cũng đã đến thời điểm thanh lý, nhà máy cũng cần phải thu nợ để đầu tư tái sản xuất. Dự kiến trong vụ mía năm 2011 Công ty phải đầu tư khoảng 62 tỷ đồng để ổn định vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Mặt khác, theo Quyết định 38 và Quyết 3022 là vốn ngân sách hỗ trợ. UBND tỉnh giao cho Chủ đầu tư dự án là UBND xã đã được UBND huyện phê duyệt dự án và quyết toán kinh phí thực hiện dự án. Việc giải ngân nguồn vốn theo Quyết 38 và Quyết định 3022 thuộc hệ thống ngân sách tỉnh và do xã, huyện thực hiện.

Đến nay các xã, huyện đã quyết toán, được các Sở thẩm định và đã báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết. Do đó, khi nào tỉnh giải ngân thì người nông dân trồng mía sẽ được nhận trực tiếp tại UBND xã (chủ đầu tư).

Ông Đàng cho rằng, để người dân yên tâm sản xuất, trong thời gian chờ phê duyệt quyết toán, UBND tỉnh cho các Chủ dự án ứng trước vốn để chi cho nông dân thuộc diện hỗ trợ theo hai quyết định trên.

Về tình hình tiêu thụ mía cho nông dân sau khi Nhà máy đường Quảng Phú di chuyển, lãnh đạo Công ty CP Đường khẳng định, việc thu mua mía được Nhà máy đường Phổ Phong triển khai tích cực. Công ty đã chủ động đầu tư trên 17 tỷ đồng để nâng công suất Nhà máy đường Phổ Phong từ 1.000 tấn mía/ngày lên 2.000 tấn mía/ngày, đưa vào hoạt động từ ngày 15/11/2011.

Lãnh đạo Nhà máy đường Phổ Phong cho biết thêm, đến trung tuần tháng 3 Nhà máy đã mua 134.067 tấn mía (vùng mía phía Bắc: 88.384 tấn) tăng 26% so với niên vụ trước. Do đó không có chuyện Nhà máy không thu mua để mía trổ cờ gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
Để tránh mua mía non, Nhà máy có kế hoạch và thông báo mua mía trước 10 ngày, niêm yết công khai danh sách tại UBND xã để người dân chủ động nhân công thu hoạch mía.
                      
  Bài, ảnh: Phú Đức

.