Đong đầy yêu thương

10:03, 14/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ bao đời nay, bữa cơm gia đình đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt của người Việt Nam. Bởi lẽ, bữa cơm là dịp để gắn kết các thành viên trong gia đình với đong đầy yêu thương.
 
Giữa nhịp sống hiện đại và guồng quay công việc, những bữa cơm đoàn viên hằng ngày đối với nhiều gia đình cũng dần trở nên thưa vắng. Dẫu vậy, không ít gia đình vẫn sắp xếp thời gian khoa học, duy trì thói quen nấu những bữa cơm hằng ngày. Bởi với họ, đây là “sợi chỉ hồng” gắn kết yêu thương, là nơi sẻ chia của cả gia đình sau những bộn bề của cuộc sống.
 
Bữa cơm ngon nhất là bữa cơm gia đình
 
Vốn làm quản lý cho một doanh nghiệp ở huyện Bình Sơn, cách nhà hơn 70km, nhưng anh Huỳnh Ngọc Lâm, ở xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ) rất coi trọng bữa cơm gia đình. Tất bật với công việc, nhà lại xa công ty, nhưng anh Lâm vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, cứ cách 2 ngày anh lại về nhà để ăn tối cùng vợ và các con. Với anh Lâm, khoảnh khắc gia đình đoàn tụ, cùng nhau ăn cơm khiến anh cảm thấy rất hạnh phúc. “Tôi nghĩ, mình tất bật với công việc cũng vì gia đình, nên tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian, để có thật nhiều những giây phút hạnh phúc bên vợ con.
 
Niềm vui của bà Nguyễn Thị Kim Đài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ)  là cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị bữa cơm hằng ngày. Ảnh: Mỹ Duyên
Niềm vui của bà Nguyễn Thị Kim Đài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) là cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị bữa cơm hằng ngày. Ảnh: Mỹ Duyên
Quãng đường đi về xa đôi lúc khiến mình thấy mệt, nhưng khi về nhà thấy vợ con háo hức đợi tôi về cùng ăn cơm, lúc ấy mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Hơn nữa, 2 con của tôi còn quá nhỏ, nên tôi cố gắng về nhà ăn cơm với gia đình nhiều nhất có thể, để các con luôn cảm nhận được hơi ấm yêu thương của cha mẹ. Với tôi, bữa cơm ngon nhất là bữa cơm gia đình”, anh Lâm chia sẻ.
 
Là một gia đình có 3 thế hệ sống cùng nhau, dù rất bận rộn, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Đài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) vẫn luôn đảm bảo những bữa cơm gia đình diễn ra đều đặn. Bà Đài cho biết, tôi là lao động tự do, nên công việc chủ động hơn các con của mình. Do đó, tôi luôn nấu ăn, để các con sau những buổi làm việc mệt mỏi có được bữa cơm ngon, đảm bảo chất dinh dưỡng. "Tôi không nề hà việc mình lớn tuổi mà vào bếp nấu ăn cho các con. Bởi đây là hạnh phúc của người già, được sum vầy với con cháu, vun đắp gia đình mới là điều tôi mong muốn. Tôi phải duy trì bữa cơm gia đình hằng ngày, để các con luôn cảm nhận được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình. Đó có thể chỉ đơn giản là bữa cơm với rau, cá, nhưng là bữa cơm đầm ấm, ý nghĩa nhất, gắn kết mọi thành viên trong gia đình với nhau", bà Đài bộc bạch.
“Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp, những bữa cơm gia đình vẫn giữ một vị trí quan trọng trong mỗi nếp nhà. Đó không chỉ là bữa ăn có giá trị về mặt dinh dưỡng, mà còn là khoảng thời gian để các thành viên gia đình sum họp, cùng sẻ chia những câu chuyện vui, buồn trong ngày. Từ đó, tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt, là nền tảng để xây đắp  hạnh phúc trong mỗi gia đình”.
Phó Trưởng phòng Quản lý Văn hóa  (Sở VH-TT&DL) VÕ THỊ THẢO
Vun đắp hạnh phúc 
 
Trước đây, do tính chất công việc tài xế, anh Nguyễn Đặng Văn Phước, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Vợ chồng xa nhau, những tranh cãi, hiểu lầm nhỏ nhặt thường xuyên xảy ra. Anh Phước cho biết, từ ngày chuyển về làm gần nhà, gia đình có thời gian bên nhau, cùng ăn cơm, chia sẻ những điều trong cuộc sống, nhờ đó mà những cuộc cãi vã giữa vợ chồng cũng thưa dần, nếu có cũng được giải quyết nhanh chóng.
 
Tranh thủ thời gian rảnh, anh Nguyễn Đặng Văn Phước, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cùng vợ, con đi siêu thị mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm gia đình.                     Ảnh: Mỹ Duyên
Tranh thủ thời gian rảnh, anh Nguyễn Đặng Văn Phước, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cùng vợ, con đi siêu thị mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm gia đình. Ảnh: Mỹ Duyên
Hiện tại, mỗi ngày anh đều tranh thủ ăn cơm ít nhất 1 bữa với vợ con. “Tôi từng sống xa gia đình, nên tôi hiểu được bữa cơm gia đình nó quan trọng đến nhường nào. Giờ đây, tôi đều dành thời gian ở những bữa cơm tối để cùng vợ, con hàn huyên. Vào những ngày cuối tuần, tôi sẽ chở vợ và con đi siêu thị để cùng mua thức ăn, cùng vào bếp. Những điều đơn giản như này, nhưng lại chính là sợi dây gắn kết hạnh phúc của gia đình tôi”, anh Phước cho hay.
 
Xây dựng gia đình đã gần 10 năm nay, ngày nào chị Nguyễn Thị Na Va, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) vẫn duy trì thói quen vào bếp nấu cơm cho gia đình. Với chị Va, khoảng thời gian vui nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, các thành viên trong gia đình cùng nhau trò chuyện, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành.
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Na Va, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi)  luôn duy trì bữa cơm hằng ngày trong gia đình. Ảnh: Mỹ Duyên
Gia đình chị Nguyễn Thị Na Va, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) luôn duy trì bữa cơm hằng ngày trong gia đình. Ảnh: Mỹ Duyên
Chị Va vốn là giáo viên, chồng của chị hiện đang công tác trong ngành quân đội, đặc thù công việc của vợ chồng trái ngược nhau, nhưng chị Va luôn coi trọng bữa cơm gia đình. Dù chồng không thường xuyên ở nhà, nhưng mỗi ngày, chị vẫn nấu cơm cho các con của mình. Chị Va bảo rằng, chuyện vào bếp duy trì bữa cơm hằng ngày rất quan trọng, đây là cách để chị gửi gắm tình cảm, vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Chị Va luôn chăm chút, tỉ mỉ với từng món ăn, nên chồng và các con rất thích. “Nếu hôm nào có việc đột xuất, không thể nấu cơm mà mua đồ ăn ở ngoài, các con sẽ biểu thị chỉ thích ăn đồ ăn mẹ nấu. Chồng của tôi cũng vậy, tranh thủ hôm nào không trực, thì anh cũng đều về ăn cơm với vợ con. Tôi nghĩ đây cũng là điều tự hào của người làm vợ, làm mẹ. Vậy nên, tôi luôn chăm chút cho những bữa cơm, để gia đình nhỏ của mình ngày càng gắn kết, hạnh phúc hơn”, chị Va chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Thành Trung, chồng của chị Va nói vui rằng, vợ mình rất biết cách “giữ lửa” gia đình qua đường bao tử. Những món vợ nấu tuy dân dã, mà lại ngon. Anh Trung cho biết, anh rất hạnh phúc khi được quây quần bên bữa cơm gia đình. Trong những bữa cơm ấy là dịp anh cùng vợ con sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và cũng là nơi gửi gắm những tình cảm đặc biệt của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. “Việc vào bếp không chỉ dành riêng cho phụ nữ, nên khi ở nhà, tôi cũng đảm nhận sẻ chia cùng với vợ. Cứ có thời gian bên nhau là cả nhà tôi lại ríu rít vào bếp nấu ăn. Nhờ đó, mà mỗi thành viên hiểu nhau hơn, giúp gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc bên nhau”, anh Trung vui vẻ nói.
 
MỸ DUYÊN
 

.