Ngày giỗ chung ở Sơn Mỹ

05:03, 13/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 16/3/1968 (17/2 âm lịch), một đơn vị quân viễn chinh Mỹ đã đổ bộ và sát hại 504 thường dân ở làng Mỹ Lai, Sơn Mỹ, nay thuộc xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Kể từ đó, ngày 17/2 âm lịch hằng năm trở thành ngày giỗ chung ở Sơn Mỹ. 
 
[links()]
Vào ngày 17/2 âm lịch, ngay từ sáng sớm, bà con họ hàng và các thành viên trong gia đình ông Phạm Công (92 tuổi) ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê đã tập trung đông đủ. Mỗi người một việc, phụ nữ lo chuyện bếp núc, đàn ông sửa soạn bàn thờ để chuẩn bị lễ cúng. Gia đình ông Công có 6 người bị sát hại trong vụ thảm sát, gồm cha đẻ, vợ, 2 con ruột và 2 đứa cháu. Đây luôn là đám giỗ lớn nhất trong năm của gia đình. Năm nay cũng là năm con cháu trong gia đình ông Công ở các tỉnh, thành phố về sum họp đông đủ nhất. 
 
Anh Nguyễn Văn Lên thực hiện nghi lễ cúng.
Anh Nguyễn Văn Lên thực hiện nghi lễ cúng.
Chị Phạm Thị Thủy (gọi ông Công là bác ruột) đã sắp xếp công việc kinh doanh của mình ở TP.Hải Phòng để về thắp hương, viếng mộ và cùng lo giỗ. "Tôi sống ở Hải Phòng, năm nào cũng về dự đám giỗ của ông nội, bác gái và anh chị. Ngày giỗ cũng là dịp anh em họ hàng gặp nhau, sum vầy bên nhau. Quá khứ bi thương đã qua, tôi trân trọng những giây phút hiện tại bên người thân, gia đình, mong muốn mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tôi vui vì chứng kiến bà con ở địa phương có cuộc sống tốt hơn... Chỉ có sống trong hòa bình mới có cuộc sống yên bình như thế này”, chị Thủy chia sẻ. 
 
Ông Công cho biết, tôi rất vui vì con cháu ở xa về đông đủ, sum vầy, chung tay lo cho đám giỗ chu đáo. Chứng kiến con cháu cùng nhau lo giỗ tươm tất, chu đáo, tôi cảm thấy yên lòng.
 
Ngày giỗ nạn nhân vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, các gia đình không mời khách, chỉ có bà con, anh em, người thân đến dự. Anh Nguyễn Văn Lên (40 tuổi) cho hay, giỗ này là thường lệ của gia đình và là giỗ của bà, của mẹ. Ngày trước người lớn lo giỗ, nay mình nối tiếp, làm mâm cơm cúng để thể hiện tấm lòng thành, tưởng nhớ người đã khuất. Vì ngày này không chỉ là ngày giỗ trong gia đình mà của cả làng, nên con cháu ai cũng nhớ đến. 
 
Dù khá giả hay khó khăn, hằng năm, gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cơm tươm tất để tưởng nhớ những người đã khuất. Anh em, con cháu khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc lại sắp xếp công việc tập hợp đông đủ để lo giỗ cho những người thân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Bà Phạm Thị Thuận (85 tuổi) - em ruột ông Công, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát không giấu được sự vui mừng khi con cháu về dự đông đủ. Ở tuổi xế chiều, việc đi lại rất khó khăn, niềm vui của bà là được thấy cảnh sum họp gia đình. Tuy nhiên, ngày giỗ cũng là ký ức đau buồn lại hiện hữu trong tâm trí bà. “Lúc vui thì thôi chứ buồn lại nhớ cha, chị bị sát hại trong vụ thảm sát. Hồi đó tôi 30 tuổi, có 2 đứa con, ba mẹ con may mắn sống sót. Mỗi ngày giỗ cha, giỗ chị... là tôi không cầm được nước mắt”, bà Thuận kể. 
 
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, màu xanh của sự sống, của hòa bình đã bao phủ khắp các ngôi nhà, các con đường năm xưa ở Sơn Mỹ. Trong ngày giỗ chung của cả làng, mọi người cùng gặp gỡ, tưởng nhớ đến ông bà, người thân, hỏi thăm sức khỏe, chuyện làm ăn, học hành của con cháu. Nhắc lại quá khứ cũng là thêm một lần nữa trân trọng cuộc sống hiện tại, trân trọng giá trị của hòa bình để không có thêm một vùng quê nào phải gánh chịu nỗi đau như nỗi đau Sơn Mỹ.
 
Bài, ảnh: SA HUỲNH
 
 
 

.