Xuân về bên mái ấm Mẹ Sành

07:01, 21/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dịp Xuân về, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sành (94 tuổi), ở thôn Phú Lễ, xã Bình Trung (Bình Sơn) vẫn còn nhớ mãi những năm tháng đầy gian khó thời chiến tranh. Mẹ Sành bảo, nhắc nhớ lại quãng thời gian ấy để thấy, cuộc sống hòa bình bây giờ có ý nghĩa rất lớn.
 
Mùa Xuân cách đây 70 năm, cô thôn nữ hiền thục Nguyễn Thị Sành cắp nón lá theo chồng, từ thôn Nam Thuận sang làm dâu bên thôn Phú Lễ, xã Bình Trung. Năm đó, cuộc kháng chiến chống Pháp đã qua thời cầm cự tiến lên tổng tấn công, cô Sành đi dân công hỏa tuyến rồi gặp và yêu anh thanh niên Lê Qua cùng đội vận tải với mình.
 
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thăm, chúc Tết Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sành.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thăm, chúc Tết Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sành.
Sau tuần trăng mật ngắn ngủi hưởng không khí hòa bình, tháng 8/1954, các chàng trai lần lượt theo đoàn quân tập kết ra miền Bắc. Chồng của cô Sành được tổ chức phân công ở lại hoạt động hợp pháp trong lòng địch để xây dựng lực lượng. Cả 2 vợ chồng đã sống những tháng ngày trên đe dưới búa vì sự đàn áp, khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm. Hoạt động hợp pháp một thời gian ngắn, anh Lê Qua phải ra căn cứ hoạt động bí mật. Cuộc sống vợ chồng liên tục bị cách trở, nhưng cũng kịp sinh ra 3 người con (2 trai, 1 gái). Những ngày anh Lê Qua sống trên căn cứ, chị Sành cùng mấy chị em thôn Phú Lễ đêm đêm tiếp tế lương thực, đi dưới ánh sao trời và những ánh đom đóm lập lòe. 
 
Đầu năm 1960, ngụy quyền tiến hành gom dân lập “ấp chiến lược”. Đến giữa năm 1961, tại huyện Bình Sơn, địch đã xây dựng 21 “ấp chiến lược”, một số người dân di tản vào thị trấn Châu Ổ, số khác tập trung vào ấp Chí Trung trong vòng vây của địch. Liên lạc giữa cô Sành với chồng càng khó khăn. Từ khi Ủy ban Kháng chiến xã Bình Trung thành lập Đội công tác vũ trang tuyên truyền, anh Lê Qua được phân công làm Đội trưởng. Nhiệm vụ của đội là săn lùng tiêu diệt bọn ác ôn, phục kích đánh các toán địch càn quét ra căn cứ. Ban đêm, các đội viên xuống xóm làng và vào các “ấp chiến lược” để tuyên truyền vận động người dân đấu tranh với địch. Trong một lần cùng anh em đội công tác xuống cơ sở vận động lương thực, anh Lê Qua bị địch phục kích bắn bị thương, sau đó hy sinh tại Bệnh xá Bình Sơn năm 1965, được công nhận là liệt sĩ vào ngày 17/3/1982.
 
Chồng hy sinh, các con còn nhỏ dại, chị Sành nuốt nước mắt vào lòng, cố gắng nuôi con khôn lớn, vừa tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Người con trai lớn tên là Lê Văn Thanh (18 tuổi) đã nhập ngũ vào đơn vị C31, Huyện đội Bình Sơn, chiến đấu trả thù cho cha, cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Ngày 26/4/1972, trong trận chống địch càn quét ở xã Bình Thạnh, anh Thanh trúng đạn và hy sinh khi mới bước qua tuổi 19.
 
Những mất mát, khổ đau ngày càng đè nặng thêm trên đôi vai của chị Sành, nhưng vượt qua tất cả, chị vẫn nhiệt tình tham gia các cuộc đấu tranh chính trị, cùng người dân quyết tâm giành lấy hòa bình, tự do, độc lập cho quê hương.
 
Chuyện cũ đã qua từ lâu, nhưng mỗi khi Xuân về, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sành vẫn còn nhớ mãi những năm tháng đầy khó khăn gian khổ thời chiến tranh. Nhờ sự cưu mang của hàng xóm láng giềng và sự chăm lo của các cấp, ngành, đoàn thể, Mẹ Sành được sống trong căn nhà ấm áp, cùng đàn cháu nhỏ nô đùa giữa cuộc sống thanh bình...
 
Bài, ảnh: VŨ QUANG
 
 

.