Kỳ 1: Bẫy tín dụng đen giăng khắp nơi

03:12, 31/12/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Những năm gần đây, hoạt động tín dụng đen đang bủa vây công nhân, người lao động. Rất nhiều người lâm vào cảnh khốn khó phải bỏ nhà đi vì trót vay vốn với lãi suất cao. Không chỉ người vay bị "khủng bố", mà ngay cả những người không có bất cứ giao dịch gì với các tổ chức, cá nhân cho vay cũng bị quấy rối, làm phiền, xúc phạm danh dự...
[links()]
 
Bỏ nhà đi vì vay nợ lãi suất cao
 
 
Sau khi đối tượng M bị Công an TP.Quảng Ngãi bắt vì cho vay nặng lãi, chị H ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) mới vơi đi nỗi lo sợ. Trước mắt chúng tôi là người phụ nữ gầy gò, phờ phạc vì những tháng ngày dài bị "khủng bố" tinh thần vì sa vào bẫy tín dụng đen. 
 
Tháng 3/2022, chị H muốn nhập thêm hàng về bán nên đã vay của đối tượng M 30 triệu đồng, lãi suất là 10%/tháng. Là người quen nên M đã giảm lãi suất cho chị H còn 7%/tháng. Tuy nhiên, để giải ngân số tiền trên, đối tượng M đã trừ lãi suất 7%/tháng vào ngay số tiền gốc nên chị H chỉ còn nhận 27,9 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền gốc chị H phải trả theo hình thức trả góp theo ngày và trả trong vòng 1 tháng, với số tiền 1 triệu đồng/ngày. 
 
Sau khi trả hết số tiền này, chị H tiếp tục vay của đối tượng M 45 triệu đồng, trả gốc 1,5 triệu đồng/ngày. Nhưng rồi, do gặp khó khăn trong làm ăn và với lãi suất vay quá cao, nên chị H phải vay của những đối tượng khác để có tiền trả cho M. Cũng từ đây, gia đình chị H lâm vào cảnh "nợ chồng nợ".
 
Tín dụng đen đang bủa vây công nhân, người lao động. Ảnh ÁI KIỀU.
Ảnh minh họa.
Đỉnh điểm của vòng xoáy tín dụng đen bủa vây gia đình chị H là khi con của chị bị lừa sang Campuchia “làm việc nhẹ lương cao” rồi bị đòi tiền chuộc hàng trăm triệu đồng. Lúc này, gia đình chị H lâm vào cảnh đường cùng, vòng xoáy vay mượn liên tục khiến chị không còn tỉnh táo để suy nghĩ, nên cuốn theo sự "giúp đỡ" đầy vụ lợi của đối tượng M. 
 
Vì quá túng quẫn, chị H vay tiếp của M 45 triệu đồng. Lúc này, do tiền vay cũ chưa trả hết nhưng lại tiếp tục vay mới, nên chị H phải trả 3,5 triệu đồng/ngày. Sau đó, vì không có khả năng trả nên chị H đã bỏ nhà đi nơi khác để trốn nợ.
 
“Những lúc cần tiền để xử lý việc của gia đình, họ cho vay với lãi 30%/tháng, thậm chí là 50 - 60%/tháng nhưng mình cũng phải chấp nhận. Với thủ đoạn, không có tiền để trả khoản vay cũ thì họ sẵn sàng cho vay khoản mới để trả. Từ đó, nợ chồng nợ, bị đối tượng cho vay gọi điện liên tục gọi điện uy hiếp không chỉ đối với mình, mà cả với người thân. Đến lúc không trả được đành phải trốn”, chị H tâm sự. 
 
Ám ảnh tín dụng đen
                      
Đến nay, anh T - một công nhân ở KKT Dung Quất - vẫn chưa hoàng hồn vì trót sa vào bẫy tín dụng đen. Phải rất khó khăn chúng tôi mới thuyết phục được anh T trải lòng về vụ việc này. “Lúc sa vào bẫy tín dụng đen, trong giấc ngủ tôi luôn bị ám ảnh bị một số đối tượng rượt đuổi đòi nợ. Mặc cảm, đau đớn đến sợ hãi là cảm giác mình đã trải qua khi vướng vào tín dụng đen”,  anh T kể.
 
Theo anh T, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, là trụ cột trong gia đình nhưng anh bị thất nghiệp. Gia đình anh có 6 người, cứ vài hôm là có người thuộc đối tượng F0, F1 phải cách ly, điều trị rất tốn kém, rồi con gái tái phát bệnh tim. Túng quẫn anh T làm liều gọi vào số điện thoại dán trên trụ điện “cần tiền vay liền” để hỏi vay tiền. Đúng như lời quảng cáo, thủ tục để được nhận tiền rất đơn giản, anh T chỉ cần nộp chứng minh nhân dân và cung cấp số điện thoại của một số người thân là được vay 30 triệu đồng. 
 
Sau đó, vì không có tiền trả góp hằng ngày, nên anh T chọn hình thức vay “tiền râu”, nghĩa là người vay đóng lãi hằng ngày với mức 2%/ngày, 60%/tháng. Mỗi ngày anh T phải đóng 600 nghìn đồng tiền lãi, đủ tháng là 18 triệu đồng. 
 
Bị
Ảnh: ÁI KIỀU.
 
Nhưng rồi, do dịch bệnh kéo dài, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, trong khi anh T tiếp tục thất nghiệp nên phải vay mượn tiền người thân để trả lãi hằng tháng. Đến tháng thứ 7, anh T không còn khả năng trả nợ, lãi mẹ chồng lãi con, tăng lên theo cấp số nhân. Tổng số tiền anh T phải trả cho chủ nợ lên đến 300 triệu đồng, trong khi số tiền vay lúc đầu chỉ có 30 triệu đồng.
 
Do không có khả năng trả nợ, anh T liên tục bị người của chủ nợ gọi điện uy hiếp, nhắn tin hăm dọa, đến nhà uy hiếp, dẫn đến anh T phải lẩn trốn. Tuy nhiên, anh T vẫn không thoát khỏi vòng vây của con nợ, bị bọn chúng bắt giam lỏng suốt 1 tuần. Xót thương con, mẹ anh T đành bán mảnh đất ở quê giúp anh T thoát khỏi bẫy dụng đen.

Anh T, một công nhân ở KKT Dung Quất chia sẻ, mình vay chỗ nọ để trả lãi chỗ kia, nên càng ngày nợ càng tăng. Trả lãi chậm 1 ngày thì lãi suất quá hạn lại tăng. Thực sự tôi không muốn nhắc đến quãng thời gian khủng khiếp ấy. Cũng may trả nợ xong tôi tìm được việc làm và sẽ không bao giờ đi vào vết xe đổ ấy.

Trường hợp của ông B, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), cũng xót xa không kém. Năm 2019, do cần tiền lo công việc gia đình, ông B vay của ông M ở cùng địa phương 100 triệu đồng, với lãi suất thỏa thuận 5%/tháng. Mỗi tháng ông B phải trả lãi cho ông M số tiền 5 triệu đồng. Do lãi suất vay quá cao, cộng với bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ông B trả được 1 năm thì mất khả năng trả lãi.

 
Mới đây, ông M khởi kiện ông B ra tòa án. Tòa tuyên buộc ông B phải trả gốc và lãi cho ông M hơn 110 triệu đồng, trong đó gốc 100 triệu đồng và lãi suất theo lãi ngân hàng hơn 10 triệu đồng. Điều đáng nói là, trước đó ông B đã trả lãi cho ông M với số tiền 5 triệu đồng/tháng, tổng cộng số tiền đã trả lãi hơn 60 triệu đồng, nhưng không có giấy tờ nhận tiền. 
 
“Nhiều lần tôi yêu cầu ông M viết giấy nhận tiền lãi, nhưng ông M bảo chỗ thân quen mình tin tưởng ai ngờ giờ thành ra thế này. Giờ cơ quan chức năng đòi phát mãi miếng đất khiến gia đình tôi rất lo lắng”, ông B buồn bã nói. 
 
 
 
Bỗng dưng bị đòi nợ                       
 
Gần đây, bà M, nguyên lãnh đạo huyện Minh Long liên tục bị người của một Công ty tài chính cho vay tiền qua mạng gọi điện, nhắn tin đòi nợ với lời lẽ xúc phạm, đe dọa. Bà M đã giải thích và yêu cầu người đòi nợ nên đòi trực tiếp người vay. Tuy nhiên, các đối tượng đòi nợ vẫn liên tục quấy rối cả ngày lẫn đêm qua nhiều kênh khác nhau. 
 
Nở rộ cho vay
Số điện thoại của dịch vụ cho vay nhanh, vay không cần tín chấp... được dán khắp nơi, khiến người dân rất dễ sa vào bẫy tín dụng đen. ẢNH: ÁI KIỀU.
 
“Họ gọi điện bất kể ngày đêm, nói tôi đồng lõa, chạy nợ, yêu cầu tôi nói người vay trả nợ. Tôi chặn số này thì họ dùng số khác bằng số khác. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới danh dự cũng như cuộc sống của tôi và gia đình”, bà M bức xúc. 
 
Chị Huỳnh Thị Dung ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) cũng bức xúc khi những ngày gần đây điện thoại của con gái chị đang học lớp 7 liên tục bị người lạ gọi điện yêu cầu trả tiền với lý do số điện thoại của con chị Dung được người vay tiền cung cấp cho Công ty tài chính N. “Sim điện thoại này tôi mua của chính nhà mạng cho con gái từ 2 năm trước và cháu không biết ai là người vay nợ ở tận TP.Hồ Chí Minh. Giải thích mãi không được tôi dọa báo công an thì các đối tượng trên mới ngừng làm phiền”, chị Dung cho biết.
 
Kỳ 2: Truy quét tín dụng đen
Bài, ảnh: ÁI KIỀU - BÁ SƠN
 

.