Công nhân "nghỉ Tết sớm"

03:11, 16/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ nay đến Tết âm lịch còn hơn 2 tháng nữa, nhưng nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động “nghỉ Tết sớm”. Thực ra là họ bị cho nghỉ vì không có việc gì làm nữa! Doanh nghiệp nào còn chút dư dả tài chính thì hỗ trợ cho người lao động 2 tháng lương cơ bản, còn doanh nghiệp nào tài chính eo hẹp, thì họ chỉ “động viên” suông mà thôi. Nhiều người đã gắn bó với công ty gần 20 năm nay, nhưng đành ngậm ngùi ra về mà chưa biết ngày nào sẽ trở lại làm việc như các ông chủ đã hứa.
 
Nóng nhất của việc “nghỉ Tết sớm” này là công nhân ở các KCN, khu chế xuất các tỉnh phía nam. Chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay đã có 28 nghìn công nhân mất việc, 240 nghìn công nhân bị cắt giảm giờ làm. Còn ở KKT Dung Quất cũng nằm trong tình trạng đó. Từ 2 tháng qua, Nhà máy Thép Hòa Phát cũng đã giảm giờ làm cho hàng loạt phân xưởng, thu nhập của người lao động giảm hẳn. Các đơn hàng xuất khẩu sang Châu Âu giảm mạnh do xung đột và khủng hoảng kinh tế khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn trong tình trạng “đói hàng”. Điều này khiến cho doanh nghiệp buộc phải tính toán lại để cân đối thu chi tài chính. Một trong những giải pháp mà họ tính đến đầu tiên là sa thải công nhân và cắt giảm giờ làm.
 
Việt Nam được thế giới biết đến trong đại dịch Covid-19 là một trong số ít quốc gia chống dịch hiệu quả nhất, nên nền kinh tế được phục hồi nhanh chóng sau khi chúng ta đã cơ bản khống chế được đại dịch này. Việc gượng dậy sau dịch đã có những tín hiệu khả quan, nhưng chưa phải đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chưa nói đến các mặt hàng xuất khẩu bị ngưng trệ khiến hàng chục vạn công nhân mất việc, mà ngay cả những ngành nghề không liên quan đến xuất khẩu vẫn đang phải chịu tác động rất lớn. Điển hình là ngành du lịch, kéo theo nó là ngành hàng không và các dịch vụ đi kèm. Số người hoạt động trong lĩnh vực này không những “nghỉ Tết sớm”, mà còn nghỉ việc dài dài nếu như khách du lịch quốc tế vẫn thưa vắng.
 
Tình hình kinh tế ở những tháng cuối năm đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý đất nước. Những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế cho phép chúng ta không bi quan, nhưng cũng không nên quá lạc quan đến tự mãn khi hàng trăm doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc giải bài toán giữ chân công nhân hay sa thải họ, cho họ “nghỉ Tết sớm”? Cho công nhân nghỉ việc không quá khó, bởi trong Luật Lao động đã có những điều khoản cho phép các ông chủ làm điều đó mà không sợ khiếu kiện. Tuy nhiên, nếu trong thời gian ngắn sắp tới, nền kinh tế thế giới được phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu được khôi phục thì liệu có tuyển được công nhân đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu không?
 
Cuộc trở về quê lần này của hàng vạn công nhân ở các KCN tại nhiều đô thị lớn sẽ khác với cuộc chạy trốn dịch Covid-19 cách đây hơn một năm. Vì vậy, những điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cho sát với tình hình thực tế đang diễn ra là rất cần thiết lúc này. Hy vọng là hàng vạn công nhân sẽ không phải “nghỉ Tết dài dài”, mà sẽ sớm trở lại với nhà máy một khi nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng được hồi phục.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.