Triển khai sâu rộng phong trào 'Toàn dân phòng cháy, chữa cháy'

04:10, 04/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Phòng, chống cháy nổ từ cơ sở được xác định là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định đến hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Do đó, phong trào “Toàn dân PCCC” luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện.
[links()]
 
Theo Thượng tá Huỳnh Thanh Hải - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Ban Chỉ đạo PCCC tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân PCCC” ngay từ cơ sở, để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia PCCC. Nhờ đó, lực lượng PCCC cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn về số lượng, bảo đảm về chất lượng, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở.
 
Toàn tỉnh hiện có 744 đội dân phòng/954 khu dân cư, với hơn 10 nghìn hội viên; 100% cơ sở thuộc diện quản lý đều thành lập đội PCCC cơ sở. Cụ thể, có 20 đội PCCC chuyên ngành, 2.210 đội PCCC cơ sở, với 13,470 nghìn thành viên.
 
Lực lượng này thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ và diễn tập các phương án PCCC, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC cũng như khả năng hiệp đồng tác chiến, chỉ huy, điều hành của cấp ủy, chính quyền và lực lượng PCCC cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”...
 
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh karaoke.
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh karaoke.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) củng cố 39 mô hình và xây dựng mới 109 mô hình an toàn PCCC và CNCH, điển hình như: Nhà ở cán bộ, chiến sĩ có bình chữa cháy và 2 lối thoát nạn; nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có bình chữa cháy và có 2 lối thoát nạn... Nhờ đó, ý thức của cán bộ và nhân dân về công tác PCCC và CNCH được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường.
 
Công tác tuyên truyền, thực hiện phong trào toàn dân tham gia PCCC có nhiều sáng tạo, thiết thực, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và tích cực trong toàn xã hội về công tác phòng, chống cháy nổ, sự cố, tai nạn. Công tác chữa cháy kịp thời và hiệu quả đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Để nâng cao ý thức của người dân về PCCC, lực lượng cảnh sát PCCC đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình; tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất theo chuyên ngành, chuyên đề tại các cơ sở thuộc diện quản lý công tác PCCC.
 
Phối hợp kiểm tra công tác PCCC ở những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: Trung tâm thương mại, chợ, khu dân cư tập trung, các kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở karaoke... Lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức thường trực, đảm bảo lực lượng và phương tiện sẵn sàng chữa cháy 24/24 giờ; phân công lực lượng, phương tiện bảo vệ các sự kiện chính trị, văn hóa trên địa bàn tỉnh...
 
Theo Thượng tá Huỳnh Thanh Hải, để đảm bảo an toàn PCCC thì đầu tiên, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác PCCC. Tiếp đến là sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến quy định Luật PCCC đến người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân PCCC” tại cơ sở. Các cơ sở, doanh nghiệp và người dân cần làm tốt phương châm "4 tại chỗ" trong PCCC; mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác PCCC để chủ động trong việc chữa cháy ban đầu nhằm giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra...
 
Bài, ảnh: BÁ SƠN
 

.