Bệnh viện khó thì bệnh nhân khổ

08:10, 25/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau đỉnh dịch Covid-19 năm 2021, nhiều người hy vọng các bệnh viện công sẽ hoạt động bình thường trở lại do thời gian dịch bệnh kéo dài, tất cả các hoạt động của bệnh viện đều bị ngưng trệ, vì phải lao vào chống dịch, khiến nhiều bệnh viện gặp khó khăn về kinh phí, dù trước đó đã cam kết thực hiện tự chủ một phần hay toàn diện. 
 
Những khó khăn nhiều khi quá mức của các bệnh viện công, thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế sụt giảm nghiêm trọng, khiến hàng loạt nhân viên y tế bỏ việc hoặc chạy sang các bệnh viện tư. Tất cả những điều đó không chỉ gây khó khăn cho bệnh viện, mà còn khiến bệnh nhân khổ vì rất nhiều hụt hẫng về chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh. 
 
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn khám bệnh cho người dân.              Ảnh: PV
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn khám bệnh cho người dân. Ảnh: PV
Những chế độ lương, thu nhập của nhân viên y tế phục vụ trong các bệnh viện hầu hết vẫn theo những “ba-rem” đã quá cũ, quá lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu sống trong điều kiện của xã hội hiện nay. Những điều đó bệnh nhân chỉ được biết một phần nhỏ, vì họ đến bệnh viện là để được chữa bệnh, chứ không phải để nắm tình hình kinh tế của bệnh viện.
 
Ai cũng biết, bây giờ bệnh nhân nghèo là hết sức khổ nếu phải nằm viện, kể cả khi đã có BHYT, vì có không ít dịch vụ phải “chi ngoài”, không thể dựa vào BHYT mà xong được. Khi thiếu bệnh nhân trong thời gian dịch bệnh hoành hành, nhiều bệnh viện đã mơ ước sẽ trở lại thời “bệnh nhân tấp nập ra vào bệnh viện”. Nhưng khi thời ấy đến vì dịch bệnh đã được đẩy lùi, thì nhiều bệnh viện lại kêu trời vì “càng nhiều bệnh nhân thì càng thâm hụt, do khung giá tính viện phí chưa thay đổi, nên có những chi phí mà bệnh viện không biết lấy nguồn tiền ở đâu để bù vào”.  
 
Đúng là bệnh viện khó thì bệnh nhân khổ. Một số bệnh viện trước đây nhận “tự chủ toàn diện” đã xin rút, xin cho lui về “tự chủ một phần”, vì năm nay theo Nghị định 60, ngân sách không hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị được giao tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, nên nhiều bệnh viện không đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.
 
Những “cái khó không đơn giản” của bệnh viện nếu được những nghị định mới của Chính phủ tháo gỡ, được Bộ Y tế nhiệt tâm vào cuộc để cùng các bệnh viện tìm con đường khả dĩ có thể tồn tại và phát triển hợp lý, hợp quy định của pháp luật, để cán bộ, nhân viên y tế không lâm vào cảnh chật vật, để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, nhiệt huyết hơn, thì đó quả thật là “giải thoát cho bệnh viện và mang lại phúc phần cho bệnh nhân”.
 
THANH THẢO
 
 
 

.