Những cựu chiến binh gương mẫu

08:09, 16/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", các cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.   
[links()]
 
Ứng dụng công nghệ thông tin điều hành công tác hội
 
 Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Mộc luôn tận tụy với công việc.
Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Mộc luôn tận tụy với công việc.
Đó là cách làm hay của Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Mộc. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà công tác chỉ đạo, điều hành của hội CCB các cấp ở huyện Trà Bồng đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hội. 
 
Ông Mộc cho biết, việc gửi văn bản qua đường bưu điện nhiều khi ở cơ sở không nhận kịp thời, ảnh hưởng đến công việc. Vì vậy, cuối năm 2017, tôi đề xuất với Thường trực Hội CCB huyện triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, làm báo cáo và kết nạp hội viên... Để tạo thuận lợi cho cán bộ hội CCB ở cơ sở giải quyết công việc, ông Mộc tạo địa chỉ Email cho 16 xã, thị trấn trong huyện. Từ đó, tất cả các văn bản ở cơ sở gửi về hội CCB huyện chỉ cần gửi qua Email. Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành của Hội CCB huyện Trà Bồng được nhanh chóng. Công tác kết nạp, quản lý hội viên được thực hiện chặt chẽ, chính xác. Qua việc cập nhật kịp thời thông tin từ cơ sở, hội CCB huyện dễ dàng nắm bắt dư luận xã hội, những vụ việc bức xúc, nổi cộm ở cơ sở để kịp thời báo cáo cấp trên.
 
Nữ cựu chiến binh giàu lòng nhân ái
 
CCB Nguyễn Thị Tâm thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
CCB Nguyễn Thị Tâm thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Những năm qua, CCB Nguyễn Thị Tâm (78 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), vẫn âm thầm tích cóp tiền lương hưu để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Lúc trẻ, cô gái Nguyễn Thị Tâm tham gia kháng chiến giành hòa bình độc lập cho dân tộc. Là thương binh 3/4, sức khỏe có phần hạn chế thế nhưng chẳng nề hà vất vả, từ khi nghỉ hưu, bà Tâm tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Suốt 15 năm, bà làm chi hội trưởng phụ nữ, rồi hoạt động ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin... 
 
Trong quá trình tham gia công tác phong trào, bà Tâm biết nhiều mảnh đời khó khăn và tích cóp tiền lương hưu để giúp đỡ. “Tôi không giàu có, nhưng gặp nhiều hoàn cảnh bất hạnh khiến tôi không cầm được lòng và thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Từ năm 2009 đến nay, tôi tiết kiệm tiền lương hưu, mỗi năm dành dụm vài chục triệu đồng để tặng quà, chia sẻ với người nghèo”, bà Tâm bộc bạch.
 
Tiên phong trong phát triển kinh tế 
 
Gần 10 năm lập nghiệp ở vùng cao Sơn Tây, CCB Văn Công Củ (55 tuổi), ở xã Sơn Dung, xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. 
 
Năm 2017, ông Củ mạnh dạn mang giống ổi lê từ miền Nam về trồng ở vùng cao Sơn Tây. Khoảng 1 năm sau, cây ổi ra trái và chỉ với 1.000m2 ổi, mỗi năm gia đình ông Củ thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Từ vài chục cây ổi trồng thử nghiệm, ông Củ tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích ổi lên vài hecta.
 
 Năm 2018, ông Củ cùng một số cộng sự thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Giàu, chuyên cung cấp giống cây ăn quả, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người trồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Củ chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn nhiều hội viên CCB, người dân trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo.
 
Bài, ảnh: HIỀN THU
 
 
 

.