(Báo Quảng Ngãi)- Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đã tạo sức lan tỏa, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác chăm lo người có công với cách mạng (NCC).
[links()]
Ấm áp nơi mái nhà chung
Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh Trịnh Xuân Tưởng cho biết, dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng là thời điểm Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh đi vào hoạt động tròn 15 năm . Chừng ấy năm hoạt động cũng là bấy nhiêu thời gian trung tâm trở thành ngôi nhà thân thương của 16 NCC neo đơn trên địa bàn tỉnh. Cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn tận tâm, tận tình chăm sóc các cụ.
Chị Bùi Thị Bích Liên, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh chăm sóc bà Trần Thị Khâm đang sống tại trung tâm. Ảnh: PV |
Căn phòng rộng khoảng 15m2, được trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt, cửa sổ hướng ra phía vườn cây xanh mát, là nơi ở của bà Trần Thị Khâm (81 tuổi). Bà Khâm là NCC bị địch bắt tù đày và là nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Trước đây, bà sống một mình ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), tuổi già cộng với những vết thương thời chiến khiến bà đi lại khó khăn, trí nhớ giảm sút. Ba năm trước, bà Khâm được đưa vào Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh để chăm sóc. Chị Liên thường xuyên đến pha cho bà ly sữa, vệ sinh cho bà, thỉnh thoảng đỡ bà ngồi dậy và cùng trò chuyện để giúp bà vơi đi nỗi buồn...
Thương binh Võ Thị Minh Thư, quê phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), sống ở trung tâm đến nay đã hơn 9 năm. Bà Thư chia sẻ, sống ở trung tâm chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ, được chăm sóc chu đáo. Tôi sẽ luôn vui vẻ, tích cực để sống một cuộc sống ý nghĩa, sống thay cho cả đồng đội đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc.
Mỗi NCC sống tại trung tâm có một hoàn cảnh khác nhau. Nhiều người bị thương trong chiến tranh, thương tật từ 81 - 93%, phải nằm một chỗ, kèm theo nhiều chứng bệnh. Vượt lên nỗi đau, tất cả NCC tại trung tâm đều sống vui vẻ lạc quan dưới mái nhà chung ấm áp tình yêu thương. Ông Trịnh Xuân Tưởng cho biết thêm, ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, Mẹ VNAH, trung tâm còn có chức năng chính là điều dưỡng luân phiên NCC. Đến nay, có khoảng 23 nghìn lượt người đến trung tâm điều dưỡng.
Chan chứa nghĩa tình
Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Phi, ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), năm nay đã bước sang tuổi 97.
Thời gian qua, Mẹ Phi được Bộ CHQS tỉnh nhận phụng dưỡng. Ngôi nhà của Mẹ lúc nào cũng ấm áp. Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những người lính Cụ Hồ lại về thăm Mẹ, dành tặng Mẹ tấm áo dài lụa mới. Các anh nắm đôi bàn tay của Mẹ, chuyện trò vui vẻ bên ly trà nóng. Mẹ Phi bảo, Mẹ vui lắm khi nhà có các cháu bộ đội đến thăm. Nhìn các chiến sĩ trong màu áo xanh khiến mẹ nhớ về chồng, con đã hy sinh trong kháng chiến.
Đại tá Võ Văn Tài - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, chính sách hậu phương quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả.
Thời gian qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Các đơn vị đã nhận phụng dưỡng 68 Mẹ Việt Nam Anh hùng, từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh, với mức trên 1 triệu đồng/tháng/Mẹ. Từ năm 2020 đến nay, LLVT tỉnh đã xây dựng 16 nhà tình nghĩa, với số tiền 1,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã huy động các nguồn kinh phí tặng 11 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 10 triệu đồng) cho đối tượng chính sách; đồng thời tặng đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NCC, gia đình chính sách; tổ chức quy tập 46 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ...
VŨ YẾN