Ra đi để trở về

11:02, 01/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh năm Quý Hợi (39 tuổi), Trần Anh Tuấn, quê phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Phong Energy Group, được đánh giá là người đa tài và thành đạt so với tuổi 39. Hành trình lập thân, lập nghiệp của Tuấn sẽ là hành trang quý cho nhiều bạn trẻ.
 
Cuộc trò chuyện cuối năm giữa tôi và Trần Anh Tuấn không dài, nhưng đã để lại trong tôi khá nhiều ấn tượng. Đó là một con người bản lĩnh và khát vọng chinh phục những chân trời mới...
 
Hãy bước ra khỏi vùng an toàn...
 
Trần Anh Tuấn cho rằng, gia đình là “vùng an toàn nhất” đối với mọi người, vì ở đó có bố mẹ, anh chị em... che chở, bao bọc mỗi khi gặp khó khăn. Chính điều này đã làm nên giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Song, đó cũng chỉ là nền tảng để mỗi người tự thân vươn lên tìm cho mình lối đi riêng trong hành trình lập thân, lập nghiệp. “Hãy bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình khi có thể - để học tập, để trưởng thành, để bắt đầu hành trình lập nghiệp. Hãy ra đi để trở về”, Tuấn bộc bạch.
 
Anh Trần Anh Tuấn. Ảnh: NVCC
Anh Trần Anh Tuấn. Ảnh: NVCC
Cũng như bao đứa trẻ khác ở vùng biển, Tuấn đã trải qua những tháng năm vất vả vừa đi học, vừa phụ mẹ đãi đậu để nấu chè bán lo cho cuộc sống gia đình, hoặc theo bố đi phụ xe đò. “Ngày ấy, dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng bố tôi luôn bảo: Học là nhiệm vụ quan trọng tối thượng đối với chúng tôi”, Tuấn kể.
 
Và rồi, lời căn dặn đó đã theo Tuấn mãi trong những buổi đến trường. Học xong bậc THCS, Tuấn quyết định thi vào lớp 10 Trường THPT Đức Phổ 1, cách nhà đến 23km, trong khi Trường THPT Đức Phổ 2 chỉ cách nhà khoảng 15km. Từ đây, Tuấn bắt đầu cuộc sống tự lập, vì phải ở trọ để chuyên tâm việc học. Tuấn cho biết, năm lớp 11, nghe bạn bè nói về một số trường đại học lớn ở TP.Hồ Chí Minh thì Tuấn cũng bắt đầu tìm hiểu và yêu thích Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, nên đặt quyết tâm phải thi đỗ vào trường này.
 
...để đón bình minh nơi phố thị
 
Bố của Tuấn làm nghề lái xe đò nên có điều kiện đi đến nhiều nơi trên đất nước. Cứ mỗi chuyến đi, ông lại góp nhặt những điều hay, mới lạ nơi phố thị để về kể làm quà cho Tuấn, trong đó có cả những câu chuyện về một Sài Gòn đông đúc, một Sài Gòn giàu có, văn minh, hiện đại... “Bố đã hun đúc trong tôi một giấc mơ Sài Gòn từ thuở nhỏ. Lớn lên càng thôi thúc tôi phải học thật giỏi để được vào Sài Gòn đón bình minh nơi phố thị”, Tuấn chia sẻ.
 
Và rồi, giấc mơ đó cũng đã trở thành hiện thực khi Tuấn thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, với chuyên ngành kỹ sư cơ khí mà anh từng mơ ước. Nhưng khi đặt chân đến Sài Gòn, Tuấn thật sự choáng ngợp và lạc lõng giữa một Sài Gòn năng động, đông đúc người qua lại, cái gì cũng nhanh, cũng vội. Tuy nhiên, cảm giác ấy của Tuấn cũng qua đi rất nhanh, nhường chỗ cho sự tự tin vì đã quen với việc sống tự lập từ nhỏ. Tuấn kể, những hôm không lên lớp, tôi mang theo hai chai nước, gói xôi và tấm bản đồ giấy rồi đạp xe khám phá Sài Gòn.
 
Trong cuộc trò chuyện, tôi rất ấn tượng với câu nói của Tuấn: “Đừng vì nghèo mà bỏ học. Tuổi trẻ là phải có niềm tin và khát vọng vươn lên, dù phía trước đầy rẫy chông gai”. Đúng vậy! Chỉ có học và học nữa thì mới tiến bộ. Vì thế, để giảm gánh nặng cho gia đình và có tiền chi tiêu cho việc học nơi đất khách quê người, Tuấn phải làm rất nhiều việc, từ dạy thêm, sửa chữa máy tính, điện dân dụng... nhưng vẫn đảm bảo thành tích học tập tốt. Theo Tuấn, sống ở Sài Gòn không dễ để thành đạt, nhưng cũng không khó để kiếm tiền sống qua ngày. Ai cũng có thể làm được điều này nếu có ý chí. Và Tuấn đã làm được điều đó, mặc dù vừa đi học, vừa đi làm thêm, nhưng cũng hoàn thành chương trình đại học.
 
Kiên trì theo đuổi mục tiêu
 
Tuấn kể, trong thời gian làm việc tại Sài Gòn sau khi ra trường, tôi được tham dự một hội thảo định hướng nghề nghiệp và đã thay đổi suy nghĩ về con đường lập nghiệp. Đặc biệt khi nghe Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải Trần Bá Dương chia sẻ về lý do đầu tư xây dựng Nhà máy ô tô Trường Hải tại Chu Lai (Quảng Nam), đó là: “Không có bạn, Sài Gòn vẫn giàu có. Có bạn ở quê thì quê nghèo bớt nghèo hơn”; đồng thời khuyên bỏ ngay suy nghĩ: “Giàu ở quê không bằng ngồi lê ở phố”. Nghe vậy, Tuấn quyết định rời Sài Gòn để về quê lập nghiệp với niềm tin: “Ở đâu có ý chí, thì ở đó có con đường”.
 
Trung tâm Thể thao Trần Phú, TP.Quảng Ngãi, do Trần Anh Tuấn sáng lập. Ảnh: NVCC
Trung tâm Thể thao Trần Phú, TP.Quảng Ngãi, do Trần Anh Tuấn sáng lập. Ảnh: NVCC
Năm 2007, anh Tuấn đầu quân cho Công ty CP Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi (PTSC Quảng Ngãi) và tham gia thi công nhiều gói thầu thuộc Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tại đây, anh không những phát huy được năng lực, mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm chuyên môn, phong cách làm việc chuyên nghiệp từ các chuyên gia hàng đầu thế giới. Vì thế, chỉ sau 4 năm làm việc tại PTSC Quảng Ngãi, anh đã sở hữu được nhiều chứng chỉ đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, với mức thu nhập hằng tháng mà nhiều người mơ ước.
 
Với khát vọng chinh phục chân trời mới, năm 2011, anh vừa đi làm vừa thai nghén một dự án khởi nghiệp. Đó là Trung tâm Thể thao Trần Phú, TP.Quảng Ngãi, quy mô 10 nghìn mét vuông, với thương hiệu Tuấn Minh Sport, sau 18 tháng triển khai thi công. Điều làm mọi người nể phục là anh đã đón được nhiều người nổi tiếng trong giới thể thao đến giao lưu, như vận động viên bơi lội Ánh Viên, huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn, đặc biệt là huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nam Việt Nam Park Hang-seo... Qua gần 10 năm hoạt động, trung tâm là nơi để giới trẻ TP.Quảng Ngãi tập luyện thể thao và tổ chức nhiều giải thể thao phong trào của tỉnh và thành phố.
 
Năm 2018, anh Tuấn gia nhập vào Vũ Phong Solar, nay là Vũ Phong Energy Group, công ty của một người bạn tên Phong mà Tuấn đã từng hợp tác làm ăn tại Sài Gòn trong những năm đầu mới ra trường. Hiện nay, anh giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Phong Energy Group, Giám đốc Vũ Phong Tech, chuyên gia QHSE tại Công ty CP Xây dựng 47. Điều khá thú vị ở Tuấn là, dù là kỹ sư cơ khí nhưng Tuấn rất có năng khiếu viết lách. Mới đây, anh đã xuất bản cuốn sách “Về quê lập nghiệp”, được Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn của Chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế và Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) Ngô Văn Tụ đánh giá khá cao, vì rất có giá trị đối với các bạn trẻ trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
 
Chia sẻ về bí quyết thành công đó, Tuấn cho rằng, nếu như có đam mê và kiên trì theo đuổi mục tiêu đề ra, thì cơ hội việc làm, thu nhập luôn chia đều cho mọi người.
 
ĐỨC NGUYỄN
 
 
 

.