Anh đã trở về sau 55 mùa xuân

07:02, 01/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chiến sĩ Trần Mai đã ngã xuống khi tuổi mới đôi mươi trên chiến trường ác liệt cách đây 55 mùa xuân (năm 1967). Trước thềm Xuân mới 2022, hài cốt anh đã được tìm thấy và anh được trở về bên người thân, gia đình, đồng đội...
 
Đón anh về...
 
Buổi sáng của một ngày cuối tháng Chạp năm Tân Sửu, khi công trình xây dựng cửa hàng thuốc tây của gia đình ông Phạm Phú Lâm, ở thôn Hội An, xã Phổ An (TX.Đức Phổ) đang đào móng, xây tường rào, thì nhóm thợ phát hiện một bọc ni lông bên trong là tấm tăng dù của bộ đội. Cả nhóm thợ đã báo tin cho ông Lâm biết vụ việc. Từng là bộ đội và trước khi nghỉ hưu, ông Lâm mang quân hàm đại tá, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ), nên ông nghĩ ngay đó là hài cốt liệt sĩ và báo cáo ngay với cơ quan quân sự, Phòng LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương.
 
Đại tá Phạm Phú Lâm (bên phải) kể lại cảm xúc khi tìm được liệt sĩ Trần Mai.  Ảnh: Thanh Nhị
Đại tá Phạm Phú Lâm (bên phải) kể lại cảm xúc khi tìm được liệt sĩ Trần Mai. Ảnh: Thanh Nhị
Ngay sau khi nhận tin báo, Ban CHQS TX.Đức Phổ tra cứu thông tin, kết nối với những nguồn tin giá trị khác đã xác định đó là hài cốt liệt sĩ Trần Mai, sinh năm 1947; quê quán ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi); nhập ngũ tháng 3/1965, thuộc Tiểu đoàn 83-Quảng Ngãi và đã hy sinh ngày 11/5/1967, tại xã Phổ An (Đức Phổ). Trong suốt 55 năm qua, gia đình, đồng đội đã tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Trần Mai rất nhiều lần, có lúc chỉ cách nơi anh nằm khá gần. Theo lời kể của những người biết thông tin về liệt sĩ Trần Mai, anh bị thương và sau đó hy sinh, được người dân thôn Hội An chôn cất, làm dấu, nhưng do thời gian quá lâu, địa hình thay đổi rất nhiều nên nhiều lần tìm kiếm vẫn chưa tìm được.
 
Trong buổi sáng hôm ấy, gia đình ông Phạm Phú Lâm và cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS TX.Đức Phổ đã báo tin cho em trai của liệt sĩ Trần Mai là ông Trần Quốc Ca, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) và ngay lập tức, ông Ca đã vào hiện trường để cùng khai quật, đưa anh trai Trần Mai về với gia đình, quê hương ngay trong đêm. "Gia đình tôi mong đón được anh Mai về với gia đình, quê hương và hôm nay trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, anh đã về đoàn tụ với cha mẹ, tổ tiên, gia đình sau 55 năm anh hy sinh. Thật xúc động!", ông Ca nghẹn ngào nói...
 
“Với tư cách là người lính, từng đi qua chiến tranh, mỗi khi tìm thêm được một hài cốt của đồng đội, tôi cảm thấy rất vui khi làm tròn bổn phận của người còn sống với người đã hy sinh. Mùa xuân này, liệt sĩ Trần Mai đã được về với quê hương, gia đình sau bao năm xa cách...".
Đại tá PHẠM PHÚ LÂM

Ước nguyện đã thành

Chúng tôi đến nơi liệt sĩ Trần Mai đã nằm suốt 55 năm qua và nghe những người ở đây kể về chuyện "tìm được anh Mai", với cảm xúc dâng trào, cùng niềm vui khôn tả. Ông Lâm kể rằng, sáng hôm ấy, khi tôi đang cuốc đất ngoài đồng, nghe nhóm thợ báo tin, tôi liền bỏ cuốc đi thật nhanh về nhà. Nhìn thấy gói ni lông bên trong tấm tăng dù của bộ đội, tôi bảo vợ gọi báo cho những người  liên quan. Trong đó có chị tôi là Phạm Thị Ngọc Lan (70 tuổi), hiện đang sinh sống ở TP.Cam Ranh (Khánh Hòa). Bởi chị Lan chính là người ở chung hầm bí mật với liệt sĩ Trần Mai và cũng là người duy nhất anh Mai nhắn nhủ những lời cuối cùng trước khi ra đi... Chị Lan đã cung cấp những thông tin hoàn toàn trùng khớp với những gì đang xảy ra ở nơi tìm được hài cốt liệt sĩ Trần Mai.
 
Ngay sau đó, cuộc trở về đoàn tụ với quê hương, người thân của liệt sĩ Trần Mai rất thuận lợi. Chỉ trong vòng 1 ngày, người thân đã đón anh về với quê hương Tịnh Khê.
 
Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Khê chiều cuối năm ấm áp đến lạ thường. Trẻ con, người già trong thôn Trường Định đến khá đông để cùng dự lễ đặt bia lên phần mộ cho liệt sĩ Trần Mai. Gia đình ông Ca hiện vẫn sinh sống ở mảnh vườn mà ngày xưa, anh cả Trần Mai và các anh em lớn lên. "Một phần vì yêu quê, một phần vì chính tại nơi đây cha mẹ tôi bị đạn lạc chiến tranh đã nằm xuống khi còn quá trẻ. Rồi anh Mai vào bộ đội khi mới 17 tuổi, từ lúc đi đến khi hy sinh, anh về thăm nhà được 1 lần. Giờ đưa anh chỉ về quê để gần cha mẹ, ông bà, tổ tiên", ông Ca nói.
 
Hoàn thành nhiệm vụ
 
Chúng tôi đã có cuộc điện thoại dài với bà Phạm Thị Ngọc Lan về liệt sĩ Trần Mai khi anh còn sống, chiến đấu và hy sinh ở vùng đất Phổ An. Mở đầu câu chuyện, bà Lan bày tỏ, tìm được anh Mai, tôi vui lắm, mấy đêm nay không ngủ được, cứ nhớ quê, nhớ lại những ngày chiến tranh gian khổ, ác liệt. Về với nơi mình sinh ra là tâm nguyện của anh Mai trước lúc hy sinh. Tìm được anh Mai, những người đi qua chiến tranh trở về lành lặn như tôi được an ủi phần nào.
 
Ông Trần Quốc Ca tự tay mình đặt bia lên phần mộ anh trai - liệt sĩ Trần Mai, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Nhị
Ông Trần Quốc Ca tự tay mình đặt bia lên phần mộ anh trai - liệt sĩ Trần Mai, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Nhị
Bà Lan kể, vào mùa hè năm 1967, tôi mới 15 tuổi, ngôi nhà tôi khi ấy là nơi đặt sở chỉ huy, trong nhà có hầm bí mật. Anh Mai là trinh sát, hay tới lui báo cáo tình hình với cấp trên nên tôi biết anh. "Một hôm, anh Mai bị thương rất nặng, mọi người đưa anh xuống hầm bí mật, khi ấy tôi cũng ở trong hầm. Tôi động viên anh cố lên, nhưng anh quay sang nói đứt quãng với tôi rằng, chắc anh không qua khỏi. Rồi anh nhờ tôi, nếu có vào bộ đội đi về vùng Sơn Tịnh, thì tìm về nhà anh ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê báo là anh đã hy sinh, nằm lại ở Đức Phổ, hết chiến tranh gia đình đưa anh về. Năm 1968, tôi vào bộ đội, làm y tá, công tác ở vùng Tịnh Khê và có tìm đến nhà anh Mai. Tôi nghe hàng xóm nói rằng, mẹ anh Mai mất năm 1966 và ba anh mất năm 1968 vì trúng đạn lạc. Vì thế, tôi không thể nói ra với những người em của anh Mai khi ấy còn nhỏ là anh Mai đã hy sinh...", bà Lan bồi hồi nhớ lại.
 
Là một người lính, ông Lâm đã từng quy tập rất nhiều hài cốt liệt sĩ, nhưng ông bảo rằng không có lần tìm hài cốt nào đặc biệt như lần tìm được anh Mai. Và ông đã bật khóc ngay tại nơi anh Mai nằm. "Chị Lan lần nào gọi điện hay về thăm nhà cũng gửi gắm, dặn dò, nhờ tìm liệt sĩ Trần Mai. Chị Lan day dứt lắm. Giờ tìm được anh Mai, xem như tôi hoàn thành nhiệm vụ với chị Lan và với gia đình liệt sĩ Trần mai", ông Lâm chia sẻ.
 
Thanh Nhị
 

.