[links()]
Kỳ 2: Nặng lòng với quê hương
(Báo Quảng Ngãi)- "Quê hương là chùm khế ngọt", là nơi mà ai đi xa cũng luôn nhớ về và dành nhiều tình cảm, việc làm ý nghĩa cho quê hương.
Được làm việc nghĩa
Sinh ra ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), nhưng những tháng ngày mưu sinh tại các huyện vùng cao, chàng trai trẻ Ngô Thanh Được lại bén duyên với mảnh đất Sơn Hà và chọn nơi đây làm quê hương thứ 2 của mình. Mảnh đất này đã nuôi sống gia đình nhỏ của anh và vun đắp trong anh tình yêu thương đối với những mảnh đời khốn khó.
Nhiều năm qua, hình ảnh chàng trai trẻ chạy chiếc xe máy cà tàng chở theo những bao quần áo, sách vở cũ hướng về các xóm, làng ở các xã vùng cao huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và huyện Konplong (Kon Tum) đã dần trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Nhưng để “làm được việc tốt”, anh Được bảo không hề dễ dàng.
Trong một lần ra Thủ đô Hà Nội, tình cờ anh Được nhìn thấy một tấm pano với dòng chữ: “Lấy của người có không dùng đem cho người cần dùng không có”. Đọc qua câu chữ trong đầu anh chợt nghĩ về những xóm nghèo ở quê hương. Vài ngày sau về quê, anh “thử” làm điều tốt bằng cách lấy quần áo gia đình không dùng nữa đem ra trước cổng nhà để lên cái bàn và ghi dòng chữ trên mảnh thùng các tông: Quần áo tặng! Thế nhưng người dân đi qua không ai dám nhận.
“Quầy” quần áo tặng bị “ế” ấy khiến anh Được nghĩ là mình... chưa có duyên làm từ thiện, nên muốn dừng lại. Song, nhiều lần rong ruổi các xã vùng cao, hình ảnh những đứa trẻ phong phanh trong giá lạnh hay quần áo lem luốc đã thôi thúc anh trở lại với việc nghĩa.
Anh Ngô Thanh Được cùng chiếc xe máy với đầy quần áo cũ, sách vở mang đến tặng đồng bào, học sinh vùng cao. Ảnh: Lê Đức |
Giữa cái nắng và khát đến khô môi, tôi lại giải thích nguồn gốc quần áo. Từ đó, một vài người mới dám nhận. Khi tôi rời đi tầm 10 phút thì điện thoại vang lên, đầu dây bên kia là lời cảm ơn của một trong những người làm rẫy lúc nãy. Họ tìm thấy số điện thoại trên thùng hàng mà một người bạn ở Đà Nẵng gửi tặng, mà người nhận là tôi. Nghe xong cuộc điện thoại dù người còn rất mệt, nhưng lòng dâng lên niềm vui khó tả”, anh Được chia sẻ.
Để có được số quần áo, sách vở, thậm chí là những chiếc xe đạp cũ hay một vật dụng cần thiết khác, anh Được lên mạng xã hội kêu gọi mọi người có mà không dùng gửi tặng. Cứ thế, điều đặn mỗi tháng, sau khi “chốt” được các lô quần áo người dân ở TP.Quảng Ngãi hay các huyện tặng, anh lại cưỡi xe máy đi xin. Sau những chuyến xe ngược xuôi chở quần áo về nhà, anh cùng vợ soạn ra và giặt giũ sạch sẽ, phơi khô rồi đóng vào thùng giấy hoặc bao tải chở lên các xã vùng cao để tặng cho người dân. Hơn 5 năm qua, anh Được đã chở hàng nghìn bộ quần áo cũ và sách vở, vật dụng đến tặng cho người dân nghèo.
Hỗ trợ bữa ăn cho học trò vùng cao
Đã 25 năm rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn”, thế nhưng chưa khi nào anh Phạm Văn Dũng, quê ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ), hiện đang sinh sống, làm việc tại TP.Hồ Chí Minh thôi nhớ về quê hương. Với anh, quê hương là điều rất đổi tự hào mỗi khi ai đó nhắc đến. Thế nên, khi cuộc sống mưu sinh có chút tốt hơn, anh Dũng cùng nhiều bạn bè của mình thực hiện những chuyến thiện nguyện giúp người dân ở quê nhà sau các đợt lũ lụt, mưa bão. Từ nguồn kinh phí vận động nhà hảo tâm và của bản thân, những chuyến “về nguồn” của anh Dũng đều đặn được tổ chức, giúp nhiều gia đình nghèo khó, bệnh tật vơi đi phần nào nhọc nhằn trong cuộc sống.
Từ Chương trình "Bữa ăn có thịt" của anh Phạm Văn Dũng, các em nhỏ ở Trường Mầm non xã Trà Thanh (Trà Bồng) có thêm bữa ăn ngon. Ảnh: Mỹ Duyên |
“Tôi đến với người dân nghèo vùng cao chỉ mong góp chút công sức giúp họ có thêm bộ quần áo để mặc, để lao động và những tập vở để các cháu nhỏ học tập. Niềm vui của người dân là hạnh phúc của tôi”.
Anh
NGÔ THANH ĐƯỢC
|
Đặc biệt, việc làm mang ý nghĩa hơn hết của anh Dũng là tổ chức Chương trình “Bữa ăn có thịt” cho các em nhỏ tại các điểm Trường Mầm non xã Trà Thanh (Trà Bồng), do anh Dũng cùng nhóm cộng sự thực hiện. Hơn 6 năm nay, những “bữa ăn có thịt” được thực hiện, đang mang lại niềm vui cho nhiều cháu bé.
Cô giáo Trần Thị Minh Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trà Thanh cho biết, dẫu chưa một lần anh Dũng đặt chân đến trường, nhưng thông qua các giáo viên, kể từ ngày đầu cho đến bây giờ, Chương trình “Bữa ăn có thịt” vẫn đều đặn được thực hiện, với kinh phí 4 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ tấm lòng luôn hướng về nơi khó, hướng về những trẻ em còn nhiều thiệt thòi mà nhiều em nhỏ được ăn ngon, tăng cân, ít còi cọc hơn.
"Được sẻ chia với cộng đồng, trong đó có quê hương Quảng Ngãi, tôi thấy mình đã sống một cuộc đời ý nghĩa", anh Dũng bộc bạch.
Quê hương hai tiếng trong tim
Trưởng thành từ sân chơi âm nhạc và dần thành đạt trong cuộc sống, nên nhiều năm qua, nam ca sĩ Đăng Anh, quê ở xã Đức Thắng (Mộ Đức), luôn sẻ chia yêu thương với những mảnh đời kém may mắn bằng... giọng hát của mình. Hơn 4 năm qua, ca sĩ Đăng Anh đã dành tâm huyết kết nối, vận động hàng nghìn nhu yếu phẩm và gần 5 tỷ đồng tiền mặt, để hỗ trợ cho các mảnh đời kém may mắn trên địa bàn tỉnh.
Ít ai biết được, tuổi thơ của nam ca sĩ Đăng Anh đã trải qua nhiều khó khăn. Bố mất sớm khi anh chưa đầy 6 tháng tuổi, một mình mẹ vất vả nuôi chín người con ăn học. Vốn có đam mê với âm nhạc, từ nhỏ Đăng Anh đã theo các bậc cao niên trong làng học thổi sáo, guitar. Thế nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn anh đành tạm gác niềm đam mê của mình để mưu sinh, phụ giúp gia đình. Trải qua nhiều công việc trên đất khách, Đăng Anh đã chắt chiu tiền theo học thanh nhạc, bước đến gần hơn với đam mê của mình. Từ các phòng trà đến những buổi liên hoan ở nhà hàng, miễn có ai mời là anh nhận lời biểu diễn. Chính giọng ca đầy ấm áp và ngọt ngào ấy đã dần chinh phục người hâm mộ và đưa anh đặt chân lên sân khấu chuyên nghiệp.
Vào năm 2016, anh nhận lời mời tham gia chương trình ca nhạc tại quê hương. Và tình cảm mà khán giả Quảng Ngãi dành cho đã khiến anh xúc động, để rồi những ngày trở về TP.Hồ Chí Minh nỗi nhớ quê thêm cồn cào. Từ đấy, trong anh nảy sinh việc hỗ trợ cho người nghèo ở quê nhà thông qua việc tham gia trong nhiều chương trình ca nhạc vì người nghèo và cùng với các hội, nhóm thiện nguyện tổ chức hát rong gây quỹ.
“Tôi không đủ giàu để có tiền tặng cho người nghèo quê hương, nhưng tôi có giọng hát. Tôi đến với thiện nguyện như một sự thấu hiểu, bởi tôi cũng từng khó khăn và những người nghèo họ cần sự kết nối như thế nào. Tôi thấy con đường nghệ thuật của mình thật sự có ý nghĩa, khi tiếng hát mang đến niềm vui và tiếp sức cho những mảnh đời bước tiếp”, ca sĩ Đăng Anh tâm sự.
L.ĐỨC - M.DUYÊN - P.DANH
--------------------------
Kỳ cuối: Cùng làm việc nghĩa