Xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lũ

03:10, 25/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, mưa bão đã gây thiệt hại nặng về nhà cửa, tài sản của người dân. Để ứng phó với thiên tai, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã xây mới, hoặc sửa chữa nhà ở theo kết cấu chống bão, lũ.
[links()]
 
Mặc dù đã chủ động chằng chống nhà cửa trong những đợt mưa bão, nhưng do cách biển không xa, nên ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Nam, ở xã Đức Minh (Mộ Đức), vẫn thường bị tốc mái, khiến ông phải tốn chi phí khắc phục. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đầu năm 2020, gia đình ông Nam đã đầu tư xây dựng nhà có gác lửng và đổ bê tông mái bằng. Ông Nam cho biết, nhà tôi ở gần biển, nên gió rất mạnh. Những đợt  bão lớn, ngôi nhà của tôi thường bị tốc mái hư hỏng, vừa tốn chi phí sửa chữa, vừa sống trong cảnh lo sợ. Do đó, gia đình tôi đã quyết định đầu tư gần 400 triệu đồng, xây dựng 80m2 nhà ở theo kết cấu mái bằng, tránh được tình trạng tốc mái khi bão đến.
 
Nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà ở có gác lửng và đổ mái bằng, để chống bão, lũ.
Nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà ở có gác lửng và đổ mái bằng, để chống bão, lũ.
Nằm trong vùng trũng thấp ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), nên ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh thường bị ngập khi mưa lớn, hoặc tốc mái khi có gió bão. Nhận thấy hiệu quả từ việc xây dựng nhà ở theo kết cấu chống bão, lũ từ các hộ gia đình trong vùng, bà Hạnh đã mạnh dạn cải tạo, nâng tường nhà hiện có để làm gác lửng và đổ mái bằng bê tông. 
 
Ngôi nhà của bà Hạnh đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng, để kịp đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay. Bà Hạnh chia sẻ: “Điều kiện kinh tế của gia đình hạn chế, nên gia đình tôi đã chọn sửa chữa, cải tạo nhà, nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố kết cấu, kỹ thuật. Gia đình tôi rất phấn khởi khi đã nâng cấp được ngôi nhà có khả năng ứng phó với thiên tai, từ nay không phải lo âu, thấp thỏm trong mùa mưa bão”.
 
 
"Những năm gần đây, ngày càng nhiều hộ gia đình ở địa phương lựa chọn xu hướng xây dựng, sửa chữa nhà ở theo kết cấu chống bão, lũ. Từ đầu năm đến nay đã có gần 300 ngôi nhà ở địa phương được sửa chữa, xây dựng kiên cố. Việc người dân chủ động xây dựng nhà ở chống bão, lũ đã và đang góp phần giảm thiểu tác hại mà thiên tai gây ra đối với khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng như xã bãi ngang ven biển Bình Châu".
Chủ tịch UBND xã Bình Châu LÊ VĂN NGUYÊN. 
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương và các phòng chuyên môn hướng dẫn người dân xây mới, hoặc sửa chữa nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc thù địa hình của từng gia đình, nhưng phải đảm bảo các yếu tố kết cấu, kỹ thuật trong xây dựng nhà ở an toàn, ứng phó tốt với thiên tai, điển hình như nhà có gác lửng, nhà đổ mái bằng...
 
“Để xây dựng nhà ở an toàn kết hợp chống bão, lũ, trước khi xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp, các hộ gia đình cần xem xét, tính toán sức ảnh hưởng của mưa bão, để thiết kế nhà ở phù hợp. Trong đó, cần lưu ý đến việc lựa chọn vật liệu, phần lõi cứng, nền móng, tường và cấu trúc mái phải chắc chắn, chịu lực tốt, đặc biệt phải thiết kế hệ thống giằng, để liên kết các phần kết cấu với nhau, giúp chống xô đổ, chống trượt cho ngôi nhà. Đối với các hộ dân sống trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, khi chưa thể xây mới cần chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa kỹ lưỡng, chủ động nâng cao nền nhà, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra”, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng khuyến cáo.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 

.