(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả, dọn vệ sinh môi trường, nhà cửa, ổn định cuộc sống người dân vùng ngập lụt, chính quyền các địa phương cũng đánh giá, rút kinh nghiệm trong ứng phó với đợt lụt vừa qua...
[links()]
Vệ sinh môi trường, ổn định cuộc sống
Đến sáng 25/10, nhiều khu vực bị ngập sâu trong vài ngày qua ở huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa nước lụt đã bắt đầu rút, để lại lớp bùn non dày đặc cùng nhiều rác thải từ thượng nguồn trôi về. Người dân tập trung vệ sinh nhà cửa, chính quyền địa phương cũng huy động các lực lượng dọn dẹp đường sá, trường học và các công trình công cộng.
Giáo viên Trường Mầm non Hành Dũng (Nghĩa Hành) dọn vệ sinh trường lớp sau khi lũ rút. Ảnh: M.HOA |
Tại các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), người dân cũng tập trung chăm sóc hàng nghìn chậu hoa bị ngâm trong nước lụt. “Tôi đã chủ động kê đôn, nhưng mưa quá lớn khiến cây bị dập, lá rụng. Số chậu bị ngập trong nước lụt thì bùn non bám dày làm nhiều chậu hoa bị thối rễ, hư lá. Cố gắng lắm cũng chỉ cứu được 60%, số còn lại phải nhổ bỏ để xử lý đất, chuẩn bị trồng đợt hoa mới”, ông Nguyễn Linh, xã Nghĩa Mỹ, nói. Không chỉ ông Linh, mà đợt mưa lụt vừa qua đã làm ngập, hư hỏng gần 2.000 chậu hoa, cây cảnh. Hiện, người dân đang nỗ lực rửa sạch bùn, xăm lại đất và chăm sóc, phục hồi hoa, cây cảnh.
Một số khu vực thuộc xã Bình Minh và xóm Cù Lao, thuộc xã Bình Chánh (Bình Sơn) hiện vẫn còn ngập sâu, người dân chưa thể đi lại. Chính quyền các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ lương thực, thực phẩm và mua giúp người dân các vật dụng cần thiết. Với những khu vực nước đã rút, người dân tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Nhưng do lượng bùn non khá lớn, nhiều gia đình có người già yếu, neo đơn, bệnh tật cần sự giúp đỡ của lực lượng xung kích tại địa phương. Bà Võ Thị Loan (80 tuổi), thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh chia sẻ, nhà chỉ có 2 vợ chồng già với đứa con bị tâm thần nên khi lũ, chúng tôi lo tìm nơi tránh trú. Sáng nay nước rút mới trở về thì thấy nhà toàn bùn đất, giờ phải dùng máy bơm nước mới xịt sạch được.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền, huyện đã chỉ đạo các địa phương và các lực lượng, hội, đoàn thể tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả ngập nước, cũng như vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, để sớm ổn định cuộc sống. Khẩn trương tổ chức thu gom và xử lý rác thải, xác gia súc, gia cầm bị nước lụt cuốn trôi... để tránh dịch bệnh. Đối với các công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng, huyện sẽ tổ chức kiểm tra và khắc phục ngay khi nước rút.
Cơ bản thông tuyến đường giao thông
Đến sáng 25/10, sau 2 ngày bị ách tắc do khối lượng đất đá ước khoảng 500m3 vùi lấp chắn ngang đường Đông Trường Sơn, đoạn qua xã Sơn Mùa (Sơn Tây), địa phương đã huy động người dân và phương tiện cơ giới tại chỗ tiến hành hốt dọn, tạo nền đường để người dân đi lại tạm thời.
Huyện Sơn Tây huy động thiết bị cơ giới thu dọn đất đá do sạt lở núi gây ra, để người dân có thể đi lại. Ảnh: L.Đức |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Trà Lâm (Trà Bồng) Trương Công Lâm cho biết, vị trí sạt lở trên Tỉnh lộ 622B qua địa bàn xã đã khắc phục tạm thời, đảm bảo giao thông. Riêng tuyến đường Trà Lâm - Trà Hiệp, do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nên hiện chưa khắc phục được. Địa phương huy động nhân dân cùng chính quyền mở đường đi tạm thời.
Theo Sở GTVT, mưa lũ đã làm hư hại nhiều công trình giao thông, nhất là các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ trên địa bàn các huyện miền núi. Trong đó, nặng nhất là sạt lở núi gây ách tắc giao thông trên các tuyến Quốc lộ 24C, Tỉnh lộ 622B, Tỉnh lộ 623... với khối lượng đất đá cần phải thu dọn lên đến hàng nghìn mét khối. “Ngay sau các sự cố xảy ra, ngành GTVT đã chủ động tổ chức khắc phục nhằm đảm bảo giao thông đi lại tạm thời. Hiện công tác khắc phục vẫn được triển khai để đảm bảo việc thông xe tốt nhất cũng như hạn chế các đợt sạt lở tiếp theo”, Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Phiến thông tin.
Cần chủ động ứng phó với thiên tai
Đợt mưa lũ từ ngày 22 - 24/10 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài 11 nghìn ngôi nhà, cùng hàng trăm héc ta cây cối, hoa màu, nhiều công trình bị hư hỏng, thì mưa lũ đã làm 1 người chết và 3 người mất tích. Những thiệt hại trên, theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thì có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan trong công tác ứng phó với mưa lớn, ngập lụt.
“Tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo chính quyền các địa phương là trong lúc xảy ra mưa to gió lớn, kiên quyết không cho phép người dân đến các khu vực nguy hiểm như ven sông, suối hoặc ở trên lồng bè, tàu thuyền. Nhưng trong đợt lụt vừa qua, tình trạng này vẫn tái diễn, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, chính quyền các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền và phổ biến biện pháp phòng, chống thiên tai cho người dân, quán triệt phương châm “phòng hơn chống” và sẵn sàng “4 tại chỗ”; tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn gắn với bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh.
Dự báo từ ngày 27/10, Quảng Ngãi tiếp tục bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và gây mưa lớn trên diện rộng. Trong khi đó, đợt mưa lũ từ ngày 22 - 24/10 đã gây hư hỏng, sạt lở nhiều tuyến đường, kênh mương, cầu cống... Như tại tuyến kênh chính Nam Thạch Nham, đoạn gần cầu Mới thôn An Tân, xã Hành Dũng bị nước xói “hàm ếch” sâu 1,5m, nhưng chưa thể tổ chức gia cố khắc phục, vì kênh còn ngập nước. Nếu tiếp tục mưa lớn, bờ kênh sẽ vỡ, trong khi hiện có khoảng 50 hộ dân, với 200 nhân khẩu, đang sinh sống và nhiều công trình công cộng phía hạ lưu kênh. Còn tại huyện Minh Long, có đến 23 hồ đập bị sạt lở, sa bồi thủy phá và hiện còn ngập trong nước lụt nên không thể tổ chức khắc phục, gây mất an toàn cho người và tài sản khu vực hạ lưu.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành tổ chức phun khử trùng môi trường chăn nuôi ở khu vực ngập lụt, hạn chế dịch bệnh bùng phát. Ảnh: M.HOA |
Lực lượng vũ trang tiếp tục tìm kiếm ngư dân mất tích
Các lực lượng chức năng tìm kiếm ở các cồn đất, khe đá và khu vực Hòn Ông, Hòn Bà. Cùng với đó là dùng ca nô, thả lưới và móc cào sục sạo dọc theo mép nước bãi biển đoạn từ cửa Sa Cần đến bãi biển Khe Hai; khu vực khả nghi sóng đánh vào. Do thời tiết khắc nghiệt, nên đến 18 giờ, ngày 25/10 vẫn chưa tìm được 3 ngư dân.
Trước đó, sáng 24/10, 3 ngư dân trên, cùng ở xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn), là người nhà của ông Bùi Đức Thành (chủ tàu cá QNg 90755 TS), ra bờ biển để kiểm tra tàu thì bị nước cuốn trôi.
Tin, ảnh:
Đức Minh
|
M.HOA - H.HOA - L.ĐỨC