Giếng nước, đời người

09:01, 26/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Người dân ở đất đảo Lý Sơn quen với hình ảnh cụ ông Dương Kiên (74 tuổi) ở thôn Đông An Vĩnh, hơn 40 năm qua cần mẫn mang dòng nước ngọt mát lành đến với mọi nhà.  
 
Giữa muôn trùng sóng biếc, cụ ông Dương Kiên hồn hậu chia sẻ: "Tôi vào nghề không cần nhiều vốn liếng, chỉ mua vài cái can nhựa cỡ 20 lít. Ngày trước, tất cả các quán cà phê, nước giải khát, hàng ăn uống trên đảo, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng Vua. Nước giếng này rất ngon,  nên nhiều người đặt mua, mình chỉ lấy công làm lời, đưa nước giếng về tận nhà cho người ta". 
 
Gác can nhựa trên chiếc xe đạp cà tàng, ngồi dựa lưng vào thành giếng cổ, ông Kiên bộc bạch: "Thời nghèo khó, mỗi can nước bán được từ 2 - 3 nghìn đồng. Giờ đây, mỗi can nước có giá 7 - 10 nghìn đồng, tùy quãng đường gần hoặc xa. Công việc này đem lại nguồn thu nhập chính cho tôi để nuôi vợ con suốt mấy chục năm qua”. 
Mỗi can nước có giá vài nghìn đồng vừa giúp ông Dương Kiên trang trải kinh tế, vừa là ân tình giữa con người với giếng cổ trăm tuổi.
Mỗi can nước có giá vài nghìn đồng vừa giúp ông Dương Kiên trang trải kinh tế, vừa là ân tình giữa con người với giếng cổ trăm tuổi.
Nói rồi, cụ Kiên đưa tay mân mê chiếc xe đạp. Ông cụ bảo, chiếc xe đạp này như người bạn, suốt mấy mươi năm qua với bao nắng mưa mệt nhọc, bao đoạn đường gần xa, đá sỏi... nó đều cùng ông vượt qua. Giờ chiếc xe ấy vẫn ngày ngày cùng ông rong ruổi cùng những can nước ngọt nặng trĩu. Giữa trưa nắng nóng xứ đảo, chỉ nghe khách báo cần nước để dùng, ông lại xách những can nước lên chiếc xe đạp cũ rích có tuổi đời xấp xỉ với số năm múc nước giếng để bán của ông.
 
Nhiều người vẫn thường gọi cụ Kiên là người "giữ hồn" giếng cổ.  Bây giờ, ở Lý Sơn đã có nước máy, nhiều người gánh nước năm xưa đã bỏ nghề. Chỉ riêng có cụ Kiên và giếng cổ là không đổi thay, dù cuộc sống biến thiên với bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, của đời người.
 
Ngày qua ngày, ông cụ vẫn cùng với chiếc gàu, can nhựa, dong xe đạp đi chở nước. Mùa mưa cũng như mùa nắng, nước giếng Vua dồi dào, thanh mát. Vậy nên, đa phần người dân trên đảo dù trong nhà đã có nước giếng đóng, nước máy, nhưng vẫn thích sử dụng nước giếng Vua để nấu ăn, pha trà...
 
Đưa tay vốc ngụm nước giếng uống cho đỡ khát, cụ Kiên cười khà: "Thỉnh thoảng  có các đoàn khách du lịch trong nước và khách nước ngoài  chụp hình, quay phim về nghề của tôi, ngẫm cũng vui". Hình ảnh cụ Kiên gắn bó với nghề chở nước cuốn hút du khách bởi sự mộc mạc, đời thường. Đến với Lý Sơn, khách du lịch đều muốn thưởng thức dòng nước mát lạnh, trong vắt từ giếng Vua, nghe cụ Kiên kể câu chuyện huyền bí quanh giếng cổ.
 
Cụ Kiên cho biết: Giếng Vua hay còn gọi là giếng Xó La, có từ cách đây hàng trăm năm. Giếng có chiều sâu khoảng 10m, thành giếng xây đá ong, trát xi măng, cao 1,5m. Lòng giếng hình tròn, được kè bằng đá cuội, đá núi lửa, xen lẫn đá vôi. Nước giếng luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không thua bất cứ giếng nước ngọt nào trong đất liền và là giếng có mạch nước ngầm ổn định nhất ở huyện đảo.
 
Bây giờ, con cái đã lớn khôn, xây dựng nhà cửa đàng hoàng nhưng cụ Kiên vẫn không bỏ nghề. Bởi với ông, giếng Vua không chỉ là kế mưu sinh,  mà còn là ân tình giữa con người với giếng cổ hàng trăm năm tuổi.
 
TRUNG ÂN
 

.