(Báo Quảng Ngãi)- Bà Trần Thị Mười, trưởng thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) tâm sự: “Phụ nữ chúng tôi làm trưởng thôn cũng có nhiều cái thú vị. Những việc mình làm chưa được thì lãnh đạo thông cảm, người dân hiểu và cùng nhau giúp đỡ. Rồi mình chịu khó sâu sát với dân, nên dễ đồng cảm với mọi người. Do đó, chúng tôi được dân thương, dân quý”. Đó cũng là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngọc, trưởng thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa).
[links()]
Năng nổ như bà Mười
Sắp bước qua tuổi 60, nhưng bà Trần Thị Mười vẫn được người dân bầu làm trưởng thôn nhiệm kỳ thứ ba. Với bà Mười, đây không còn là công việc, trách nhiệm, mà như là ân tình bà phải làm với người dân thôn Đại An Đông 1. Ngày mới nhận nhiệm vụ, bà Mười lo lắng mình sẽ không kham nổi công việc, khi bản thân là phụ nữ. Thế rồi, hết nhiệm kỳ đầu tiên, bà được người dân quý mến, lãnh đạo các cấp giúp đỡ, tạo điều kiện làm việc, nên những khó khăn, vướng mắc bà đều vượt qua.
Bà Nguyễn Thị Ngọc thăm hỏi một hộ dân trong thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ. |
Ngày thôn của mình được xã chọn làm khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, bà Mười cùng nhân dân rất vui mừng, song bà canh cánh nhiều nỗi lo. Để hoàn thành tốt công việc được giao, bà Mười thường đến từng hộ dân để thăm hỏi và nhắc nhở mọi người trồng hoa, dọn dẹp vườn tạp, làm tường rào, cổng ngõ cho sạch đẹp. Rồi những hộ nghèo trong thôn, bà Mười luôn tới nhà động viên, khích lệ họ cố gắng vượt qua, đồng thời làm cầu nối giúp họ tiếp cận các nguồn vốn vay và nhận hỗ trợ từ các chương trình thiện nguyện.
Đến nay, 100% tuyến đường liên thôn, xóm của thôn Đại An Đông 1 đã được bê tông và hơn 200m đường đã được trồng hoa. “Ngoài công việc là trưởng thôn, tôi còn sắm 1 máy gặt lúa, đến mùa vẫn cùng chồng đi khắp các cánh đồng để gặt thuê. Để phát triển kinh tế gia đình, tôi chăn nuôi 50 con heo thịt, 40 con gà sạch và trồng hơn 6 sào lúa, màu. Nhờ đó, các con tôi đều ăn học đến nơi, đến chốn và có việc làm ổn định”, bà Mười chia sẻ.
Với những thành tích đạt được, năm 2010 bà Mười được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và mới đây, bà được UBND tỉnh trao bằng khen là một trong những công dân điển hình, tiên tiến, tiêu biểu trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Nhiệt tình như bà Ngọc
Giữa trưa, nhận được cuộc gọi từ người dân, bà Nguyễn Thị Ngọc, trưởng thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ vội chạy ra cánh đồng Cây Sung để giải quyết việc khiếu kiện trong công tác dồn điền, đổi thửa. Bà Ngọc bảo: “Tôi là phụ nữ, nhưng khi dân cần lúc nào là mình có mặt lúc đó. Những việc trong khả năng thì tôi khuyên bảo rồi giải quyết, còn những việc lớn thì mình họp dân và mời chính quyền cùng xem xét giải quyết. Nói chung, ngoài lý lẽ, thì tình cảm hàng xóm, láng giềng để giải quyết cũng rất hiệu quả. Việc sâu sát với người dân, nghe họ tâm sự, giãi bày là cách tốt nhất để xử lý nhiều tình huống”.
Tuy làm trưởng thôn mới hơn 1 năm, nhưng bà Ngọc đã giải quyết ổn thỏa nhiều vụ việc khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân với nhau. Mới đây nhất là vụ tranh chấp đất trồng cây giữa hai hộ dân ở gần nhau. Biết được không thể giải quyết bằng lý lẽ, bà Ngọc đã đến gặp các con của hai gia đình, nhờ họ khuyên bảo nhau. Nhờ đó, hai gia đình đã hiểu ra, thông cảm và sống chan hòa với nhau hơn.
“Phú Mỹ là thôn có truyền thống làm bún, nhưng vấn đề môi trường do nước thải từ nghề này thải ra đã không ít lần bị phản ánh. Tôi cũng đã ghi nhận và khuyên người dân nên làm hầm biogas và kiến nghị lên cấp trên để có hướng giải quyết. Phụ nữ làm trưởng thôn cũng có nhiều thứ phải nỗ lực. Nhưng may mắn là mình có chồng và con luôn động viên, ủng hộ, nên cứ mãi hăng say với công việc, với người dân”, bà Ngọc tâm sự.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU