Cháo lòng nơi xứ người

03:07, 14/07/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Ở Sài Gòn, tìm một quán cháo lòng để thưởng thức không quá khó. Món ăn bình dân ấy hiện diện ở từng ngóc ngách, con phố và trở thành món ẩm thực đặc trưng. Cũng nhờ vậy, mà nhiều người Quảng Ngãi rời quê vào đây lập nghiệp có kế sinh nhai, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
 
TIN LIÊN QUAN
 
"Sài Gòn, cà phê và cháo lòng"
 
Vào Sài Gòn thì phải uống cho được ly cà phê chất Sài Gòn và đi ăn cháo lòng. Một người bạn của tôi đã chia sẻ cực kỳ thú vị. Quả thật, đặt chân tới Sài Gòn, từ nhà ga dọc ngang qua các phố, phường đâu đâu cũng có quán cà phê, người người đông đúc. Có quán sang, có quán vỉa hè nhưng dù khác biệt cỡ nào thì cũng có điểm chung là nhiều khách.
 
Tôi cà khịa đứa bạn dẫn đi ăn lại món cháo lòng cho biết, chứ ở quê tôi, món ấy đầy. Nó vội vã dắt xe ra khỏi quán, đèo tôi qua nhiều con phố lớn, nhỏ rồi bất chợt dừng lại ở đường An Dương Vương, giao nhau với Yết Kiêu (quận 5). Ở Sài Gòn ra đường nói rõ nói to, do xe cộ đông đúc, nó bảo: “Xuống đi, vào ăn cháo. Ăn xong chỉ có nước ghiền”.
 
Xe đẩy cháo lòng ở Sài Gòn.
Cháo lòng, một món ẩm thực đặc trưng ở đường phố Sài Gòn.
 
Dứt câu, nó kéo xộc tôi vào lề đường, gọi ngay 2 tô lớn, không quên kèm theo dĩa lòng "sơ cua". Cái đặc biệt ở cháo lòng Sài Gòn là người bán trộn chung cháo, lòng, huyết, lưỡi, gia vị… lại với nhau, chứ không để riêng biệt như ở Quảng Ngãi. 
 
Nhưng đó chưa phải là nét đặc trưng của món ăn này ở Sài Gòn. Điều làm tôi ấn tượng nhất là trong món cháo ấy lại có thêm nguyên liệu giá đỗ, thường chỉ dành cho bún, phở và quẩy. Có thể, do sở thích của người Sài Gòn như thế nên cháo lòng cũng biến tấu đi ít nhiều cho phù hợp với vùng miền.
 
Một phần cháo lòng đặc trưng ở Sài Gòn.
Một phần cháo lòng đặc trưng ở Sài Gòn.
 
Anh Vũ Văn Hùng (35 tuổi) cũng vào Sài Gòn lập nghiệp bằng món ăn này. Anh lý giải rằng, chắc do Sài Gòn quanh năm nắng gắt, oi bức khó chịu nên người dân thích ăn giá cho nó mát. Còn quẩy là để cho hương vị cháo thêm đậm đà, béo ngậy khi thưởng thức. Đó cũng là cách giải thích hợp lý nhất cho những ai đang tìm câu trả lời vì sao cháo lòng Sài Gòn lại có giá đỗ, quẩy. 
 
Nói chung, ở Sài Gòn có nơi cứ cách nhau tầm vài trăm mét là có một quán cháo lòng như vậy, so với cà phê thì cũng nhiều vô kể. Hầu cứ cách vài con đường là tìm ra một nơi bán cháo lòng để thưởng thức. Và càng bất ngờ hơn, thỉnh thoảng còn được nghe giọng Quảng Ngãi đặc sệt phát ra từ những người bán, người mua, như thể tìm thấy người quen giữa chốn xa lạ, lòng chộn rộn niềm vui.
 
Kế mưu sinh của người Quảng
 
Người Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh đủ nghề, từ chạy xe ôm, bán vé số, kim chỉ, vải vóc… để nuôi sống gia đình. Sự nhộn nhịp, tất bật của thành phố đã khiến “guồng quay” cơm áo gạo tiền của bao phận đời lao theo nó, nếu không bắt nhịp được thì điêu đứng.
 
Quán cháo lòng của vợ chồng chị Kiều, quê ở thị xã Đức Phổ.
Quán cháo lòng của vợ chồng chị Kiều, quê ở thị xã Đức Phổ.
 
Chị Võ Thị Kiều, 45 tuổi, quê ở Đức Phổ vào đây gần một năm. Ban đầu, vợ chồng phụ con cái bán hải sản nhưng không lời bao nhiêu nên đành tìm cách khác. 
 
Và cơ duyên đã dẫn lối cho gia đình chị đến với nghề bán cháo lòng. “Người ta thấy mình cực khổ nên chỉ cách nấu cháo lòng Sài Gòn tận tình. Cộng với đây cũng là món ăn phổ biến ở quê nên không khó để nấu cho ngon, rồi từ động lực đó mình quyết tâm thuê nhà, mở quán bán. Trong quá trình đó, mình cũng tự tìm hiểu, lần mò thêm cách chế biến và tìm tòi tạo ra “bí quyết” riêng. Đó là yếu tố tiên quyết để quán mình đông khách”- chị Kiều chia sẻ.
 
Chị cho biết thêm, mình làm nghề gì thì phải hết lòng với nghề ấy, chỉ trong hoàn cảnh ngặt nghèo quá thì mới chọn cách buông bỏ mà thôi. Nấu cháo cũng đơn giản lắm, phải chọn nguyên liệu thật ngon để cháo ngon, nước ngọt, đậm đà. 
 
Bí quyết của chị là mỗi dĩa lòng trước khi đem ra phục vụ khách phải trụng sơ qua nước sôi với hành cọng và giá để làm tăng thêm độ thơm, khử bớt mùi tanh của lòng. Một nguyên liệu khác không thể thiếu là đường khi mang cháo cho người Sài Gòn hay miền Tây thưởng thức. Người Sài Gòn thích ăn ngọt nên nếu thiếu đường thì họ không ưng ý cho lắm.
 
Bình quân quán chị Kiều bán hơn 200 tô cháo/ngày. Ngoài cháo lòng chị còn bán thêm phần thịt má đầu nếu khách yêu cầu. Với mức giá bình dân từ 20- 25 ngàn đồng/tô, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị cũng lận túi tiền triệu.
 
Trụng lòng, thịt và giá, hành cộng vào nước sôi trước khi mang cho khách là bí quyết hút khách trong tô cháo lòng của chị.
Trụng lòng, thịt và giá, hành cọng vào nước sôi trước khi mang cho khách là bí quyết hút khách trong tô cháo lòng của chị.
 
Thú vị hơn cả là ở quán chị, khách tứ xứ đến ăn rất đông nhưng suy cho cùng người Quảng Ngãi chiếm lượng lớn. Họ đến đây trước hết là để thưởng thức và cũng là để ủng hộ đồng hương đang lăn lộn nơi đất khách giống như mình.
 
Giọng Quảng át cả giọng Bắc, giọng địa phương. Họ giao tiếp với nhau bằng sự chân thành, từng câu chuyện kể về cảnh đời, về hành trình di Nam của người Quảng. Để rồi, họ tìm thấy sự sẻ chia, tình người trong đó, thông qua tô cháo. Bởi vốn dĩ, cứ nghe đồng hương là cô chủ quán lại bỏ thêm cho ít lòng, cật, miếng thịt ba chỉ như sự ưu ái riêng về sở thích ăn uống.
 
Cháo lòng là món bình dân, dễ ăn, đủ no, vừa túi tiền của người có lao động thấp nên trở thành lựa chọn số 1 khi ăn sáng, ăn xế. Chính vì lẽ đó, nó đã trở thành nghề “kiếm cơm” của không ít người Quảng Ngãi, giúp họ có của ăn của để, vơi bớt những nhọc nhằn nơi khi xa quê.
 
Còn gì thú vị hơn, vào những buổi sáng Sài Gòn mát mẻ, trong lành, ra ban công, ngước nhìn xuống con hẻm nhỏ đã thấy bóng dáng của "Cháo lòng", chạy xuống mua một tô lót dạ, lấp cái bụng trống đang đói lửng. Ăn hết tô cháo vã cả mồ hôi. Sau đó, ghé đến một tiệm nước ven đường và kêu một ly cà phê sữa đá đậm chất Sài Gòn ngồi nhâm nhi ngắm phố phường. Hay những buổi xế chiều tạt ngang quán nhỏ vừa từ từ thưởng thức tô cháo lòng nóng hổi, vừa ngắm dòng đời ngược xuôi trên phố trong cơn mưa chiều nặng hạt... 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.