Hết lòng vì đồng bào nghèo

10:06, 02/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần 10 năm công tác ở xã đặc biệt khó khăn Sơn Bua (Sơn Tây), với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã, anh Đỗ Minh Vương đã góp phần tạo “nhịp cầu” nối ý Đảng với lòng dân.
Giúp người dân thay đổi hủ tục
 
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), anh Đỗ Minh Vương (quê huyện Sơn Tịnh) tham gia Dự án 600 trí thức trẻ của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2012, anh Vương được cử về làm Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua. Những ngày đầu tiên đặt chân đến xã vùng cao này, anh rất vất vả bởi chưa có kinh nghiệm quản lý, lạ lẫm với phong tục, tập quán của đồng bào Ca Dong... 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua (Sơn Tây) Đỗ Minh Vương (bên trái) hướng dẫn thanh niên địa phương sử dụng, bảo quản công trình nước sạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua (Sơn Tây) Đỗ Minh Vương (bên trái) hướng dẫn thanh niên địa phương sử dụng, bảo quản công trình nước sạch.
Thế nhưng, nếu không thể vượt qua những rào cản ấy, thì anh Vương không thể gắn bó với mảnh đất Sơn Bua lâu đến vậy. Anh tự nhủ, bản thân phải làm sao tạo được niềm tin với người dân. Để làm được điều này, anh Vương thường xuyên xuống cơ sở cùng ăn, cùng ở với dân để nắm bắt tình hình cuộc sống của bà con. Đối với những vấn đề cần triển khai vận động, anh tìm đến già làng, người uy tín xin ý kiến, rồi cùng giải thích và vận động, tạo đồng thuận để bà con chấp hành các chủ trương, chính sách.  
 
“Cái khó lúc bấy giờ là làm sao để vận động bà con quan tâm đến giáo dục, tạo điều kiện cho con cái đi học đầy đủ, xóa bỏ hủ tục cúng bái, vận động người dân đến cơ sở y tế khi có bệnh. Quan trọng hơn nữa là, đẩy lùi nạn tảo hôn”, anh Vương bộc bạch.
 
Vượt qua khó khăn ban đầu, anh Vương đã nỗ lực học hỏi để trao đổi bằng tiếng Ca Dong với người dân địa phương. Nhờ được anh Vương tuyên truyền, vận động, người dân đã dần thay đổi các tập tục lạc hậu. “Cháu Vương về xã đã giúp dân nhiều việc lắm, thanh niên được chỉ dẫn hướng phát triển kinh tế. Ngày trước, ai đau ốm cứ cúng hết cái nọ đến cái kia, nhưng nhờ cháu Vương giải thích, giờ ai bệnh cũng đến cơ sở y tế để bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc”, già làng Đinh Văn Ân không ngớt lời khen.
 
“Đỗ Minh Vương là cán bộ rất năng động và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí là đảng viên trẻ, hạt nhân gương mẫu để người dân thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời tiên phong phát triển làng thanh niên lập nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân và xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua ĐINH MINH TÔN
Tiên phong, nêu gương
 
Gắn bó với cuộc sống vùng cao, xem đây là quê hương thứ hai để lập nghiệp, cống hiến và trưởng thành, anh Vương xây dựng gia đình với cô giáo Ca Dong Đinh Thị Mực. Để tạo đồng thuận, gắn kết thanh niên địa phương trên bước đường lập thân, lập nghiệp, đầu năm 2019, vợ chồng anh Vương tiên phong vào ở tại Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua. Đây là dự án được Tỉnh đoàn triển khai xây dựng, nhằm tạo điều kiện thanh niên địa phương có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lúc đầu nhiều thanh niên chưa thấy được lợi ích, nên chần chừ chưa đăng ký tham gia.
 
Là người đi trước, gia đình anh Vương vượt qua được những khó khăn và từng bước ổn định cuộc sống tại làng mới. Từ vài hộ ban đầu, đến nay thông qua sự vận động, giúp đỡ của anh Vương và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, làng thanh niên đã có 23 hộ đăng ký vào ở. Trong đó đã có trên chục hộ xây dựng nhà sàn kiên cố, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
 
Anh Đinh Văn Cường, ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua cho biết: “Trước ở làng cũ giao thông không thuận lợi, diện tích đất canh tác khó khăn. Từ ngày vào đây ở, được Vương hướng dẫn cách làm ăn, nên cuộc sống của tôi đã tốt hơn”.
 
Là cán bộ trẻ, anh Vương thường xuyên đóng góp rất nhiều cho các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương. Anh Vương cùng với thanh niên thực hiện các mô hình chăn nuôi hiệu quả, như nuôi gà thả đồi, nuôi trâu, bò lai... Đặc biệt, anh Vương đã vận động các hộ thanh niên tham gia tổ bảo vệ và trồng rừng, nhờ đó đã hưởng lợi từ rừng, cũng như có điều kiện trồng trọt các sản phẩm dưới tán rừng để cải thiện thu nhập, vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 
 
 

.