50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2.9.1969 - 2.9.2019):
Hết lòng phục vụ nhân dân

08:02, 18/02/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nửa thế kỷ đã trôi qua, song những lời di huấn của Người trong Di chúc vẫn mãi mãi là lời dạy thiêng liêng, là một di sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
TIN LIÊN QUAN
“Một lòng một dạ phục vụ nhân dân”
Trong những lời di huấn thiêng liêng trong Di chúc, Bác khẳng định Đảng lấy phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc làm mục đích cao nhất. Đảng không được xa rời mục đích ấy. Ngoài mục đích ấy, Đảng không có mục đích nào khác.

Nói về vấn đề đạo đức cách mạng, Bác chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, nắm vững mục đích của Đảng là “một lòng một dạ phục vụ nhân dân”, “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là một tư tưởng lớn, xuyên suốt của Bác.
 
Thực hiện nghi lễ chào cờ hằng ngày trước Lăng Bác.    ẢNH: TL
Thực hiện nghi lễ chào cờ hằng ngày trước Lăng Bác. ẢNH: TL

Tròn 50 năm Bác Hồ kính yêu về cõi vĩnh hằng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi luôn đồng lòng, quyết tâm thực hiện những tâm nguyện trong Di chúc của Người, hết lòng phục vụ nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực...

Năm 2018, Sơn Hà trở thành huyện đầu tiên trong 6 huyện nghèo của Quảng Ngãi thoát khỏi huyện nghèo nhất nước. Thành công này cho thấy, nội lực của người dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, đúng định hướng về chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng chuỗi giá trị, tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp  ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: Đến nay, toàn huyện đã có đến hơn 200 nhóm hộ và tổ hợp tác được thành lập để cùng sản xuất, chăn nuôi. Sau khi xây dựng được mô hình, đích thân lãnh đạo huyện hướng dẫn nông dân nuôi trồng nông sản sạch, hữu cơ và trực tiếp tìm thị trường, kết nối với doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu đưa nông sản đặc trưng, nông sản bản địa của địa phương mình vào hệ thống siêu thị toàn quốc. Người nông dân không còn loay hoay với bài toán đi tìm cây gì, con gì để xóa đói, giảm nghèo nữa.

Còn ở huyện Bình Sơn, mô hình "Tiết kiệm làm theo Bác hỗ trợ hộ nghèo" của 62/62 chi, đảng bộ trực thuộc đã mang lại sinh kế cho người nghèo, giúp họ có cơ hội vươn lên. Mô hình còn thể hiện trách nhiệm, vai trò của đảng viên đối với nhân dân và là cách để Đảng bộ, chính quyền thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ.

Đặc biệt, đến nay, Bình Sơn là địa phương duy nhất triển khai xây dựng "Ngôi nhà cấp ủy". Qua 2 năm thực hiện, phong trào ủng hộ xây dựng "Ngôi nhà cấp ủy"  ở Bình Sơn đã vận động được hơn 4 tỷ đồng. Từ số tiền này, huyện hỗ trợ xây mới và sửa chữa 70 ngôi nhà cho người có công cách mạng và đảng viên khó khăn về nhà ở. Việc làm này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia tình cảm của cán bộ, đảng viên, viên chức lao động và nhân dân huyện Bình Sơn đối với hộ nghèo, người có công, gia đình đảng viên có hoàn cảnh khó khăn", Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư chia sẻ.

“Lấy dân làm gốc”

Xác định tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên có vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo nên chi bộ thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) luôn coi trọng củng cố tổ chức đảng với nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Từ năm 2010 đến nay, Chi bộ thôn An Ba liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, là kết quả minh chứng trong việc “lấy dân làm gốc”. Bí thư chi bộ thôn An Ba Huỳnh Văn Nhung cho biết: "Tinh thần đầu tàu gương mẫu của đảng viên đóng vai trò quyết định. Như việc xây dựng cánh đồng lớn làm thí điểm ở khu vực bắc Ba Tơ và đồng Ba Gò với diện tích hơn 9ha sạ một loại giống, một chế độ canh tác, để nhân dân thấy rõ hiệu quả kinh tế thì cấp ủy cũng xây dựng trước và cán bộ, đảng viên tham gia mô hình đầu tiên, rồi mới vận động nhân dân làm theo".

Mục tiêu mà cấp ủy An Ba hướng đến là vì lợi ích của người dân, chăm lo đời sống cho nhân dân. Đến nay, mô hình trên đã khẳng định tính hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong chuyển đổi phương thức canh tác và đầu tư trong sản xuất lúa. Theo đó số hộ nghèo của thôn hiện chỉ còn 3%.
***
Nửa thế kỷ Quảng Ngãi thực hiện di chúc thiêng liêng của Người, sự nghiệp “nâng cao đời sống của nhân dân” đã đạt được những thành tựu to lớn. Minh chứng rõ nhất qua những con số: Năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/người. Trong nửa  nhiệm kỳ thực hiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, toàn tỉnh giảm 18.205 hộ nghèo; đến nay đã có 61 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều vùng quê đã "thay da đổi thịt" với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ...
 
Những lời di huấn thiêng liêng

Tư tưởng xuyên suốt trong Di chúc của Người là vấn đề Đảng, về sự đoàn kết. Bản Di chúc chỉ vỏn vẹn trên dưới 1.000 chữ mà Bác đã 8 lần nhắc đến hai từ “đoàn kết”, khẳng định điều tâm huyết nhất của Bác là việc giữ gìn, phát huy đoàn kết - nhân tố quan trọng nhất trong mọi yếu tố làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng, Bác căn dặn phải: “...thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Đây là lời dạy chí lý, chí tình của Bác và đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự.

Nói về vấn đề đạo đức cách mạng, Bác chỉ rõ: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là một tư tưởng lớn, xuyên suốt của Bác.

Trong Di chúc, Người còn quan tâm đến việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Người đặc biệt coi trọng việc giáo dục và đào tạo thanh niên thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”...
 

H. LƯ - TH.THUẬN

 

.