Cần bảo đảm nước ngọt bền vững cho đảo Bé

10:06, 01/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé (Lý Sơn) liên tục hư hỏng, tiền sửa chữa mỗi đợt lên đến 1 - 2 tỷ đồng. Vài năm gần đây, gần như quanh năm, người dân nơi đây phải đặt mua nước ngọt từ đảo Lớn vận chuyển sang. Mơ ước của người dân đảo Bé về một nguồn nước ngọt đủ dùng, xem ra vẫn còn gian nan.
Chúng tôi đến đảo Bé vào những ngày tháng 5 nắng hạn và được chứng kiến cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng ở nơi đây. Cứ vài ngày, một chuyến tàu chở nước ngọt từ đảo Lớn sang, với giá thành vài trăm nghìn đồng một mét khối, vì chi phí vận chuyển quá lớn.  
 
Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé sau 9 năm hoạt động, nay liên tục bị hư hỏng.
Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé sau 9 năm hoạt động, nay liên tục bị hư hỏng.
 
Theo báo cáo của huyện Lý Sơn, từ tháng 6 đến tháng 12.2019, Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở xã An Bình tạm ngừng hoạt động, do bị hỏng một số thiết bị. Chính quyền đã liên hệ với đơn vị tài trợ nhờ cán bộ kỹ thuật kiểm tra hư hỏng, khắc phục. Theo đề xuất của đơn vị tài trợ, huyện đã mua sắm một số thiết bị để thay thế.
 
Ngày 15.2.2020, nhà máy đi vào vận hành, hệ thống lọc RO1 hoạt động bình thường, nhưng máy RO2 vẫn bị lỗi. Theo cán bộ vận hành nhà máy cho biết, việc dẫn đến hư hỏng thường xuyên là do nguồn điện phục vụ chạy máy không đảm bảo, làm máy chạy chưa hết công suất theo thiết kế.
 
Mới đây, người dân đảo Bé kiến nghị các cấp cần có giải pháp cấp nước ngọt thường xuyên cho hơn 500 hộ dân ở đây. Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho hay: "Hiện tại, nhà máy chỉ vận hành mỗi ngày vài mét khối nước theo kiểu chống xuống cấp thiết bị. Tháng 2.2020, dù đã đầu tư sửa chữa, nhưng chỉ chạy được 10 ngày lại bị trục trặc".
 
Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trị giá 1 triệu USD, được Công ty TNHH Công nghiệp Doosan Vina sản xuất, lắp đặt, tài trợ cho nhân dân đảo Bé từ năm 2011. Sau 9 năm vận hành, đến nay nhà máy đã xuống cấp. Mỗi lần hư hỏng lại nhờ đơn vị tài trợ sửa chữa giúp. Thế nhưng, do kinh phí có hạn, việc sửa chữa không kịp thời, đầy đủ, nên vận hành được một thời gian lại hư hỏng.
 
Theo thống kê của huyện đảo Lý Sơn, kể từ sau khi Doosan Vina chuyển giao nhà máy cho địa phương, mỗi năm huyện phải đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để vận hành, gồm tiền dầu, điện, sửa chữa và tiền lương cho 3 công nhân. Thế nhưng, nguồn nước vẫn không đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tối thiểu của người dân.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.