Cải thiện môi trường làm việc cho người lao động

10:05, 28/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chủ đề chính của Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 là: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Trên địa bàn tỉnh, có nhiều lao động (LĐ) làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (BNN), nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Người lao động chịu thiệt
 
Quảng Ngãi có trên 100.000 LĐ làm việc tại gần 5.000 doanh nghiệp (DN) ở các KCN, KKT trong tỉnh thì có hơn 6.000 LĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ BNN, như công nhân tại các mỏ đá, ngành dệt may, giày da, cơ khí... với các loại BNN là bụi phổi silic, bụi phổi bông, điếc... Thế nhưng, theo báo cáo của BHXH tỉnh, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 16 LĐ được hưởng trợ cấp BNN; trong đó, từ năm 2017 đến nay không phát sinh thêm trường hợp nào được hưởng trợ cấp BNN. Sở LĐ-TB&XH cho rằng, con số này quá ít, không phản ánh đúng thực tế tình trạng BNN hiện nay. 
Công nhân, kỹ sư làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn được khám sức khỏe định kỳ hàng tháng.
Công nhân, kỹ sư làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn được khám sức khỏe định kỳ hàng tháng.
Theo ý kiến của các LĐ, nhiều hồ sơ không được giải quyết để hưởng chế độ, bởi vướng mắc trong khâu thủ tục. Có nhiều hồ sơ mất đến 10 năm vẫn chưa giải quyết được, từ đó người LĐ có tâm lý không mặn mà với việc làm thủ tục hưởng trợ cấp BNN. Anh H.B.M (Mộ Đức) làm việc tại công ty giày da ở KCN VSIP Quảng Ngãi giữa năm 2019 anh bị sụt cân không rõ nguyên nhân, ho nhiều. Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm trùng đường hô hấp, có nguy cơ mắc BNN cao và đề nghị anh lập hồ sơ để hưởng chế độ. “Ban đầu, tôi cũng có ý định làm hồ sơ, nhưng qua tham khảo nhiều người thì được biết, việc lập hồ sơ cần rất nhiều giấy tờ, thủ tục, mà không chắc có được hưởng không, nên tôi không làm nữa”, anh M cho biết. Sau đó, anh M phải xin nghỉ không lương trong 2 tháng để tự đi chữa bệnh.
 
Khi thực hiện các thủ tục cho LĐ hưởng các chế độ BNN, cơ quan, đơn vị trong tỉnh gặp nhiều vướng mắc. Hầu hết, các chỉ số quan trắc môi trường của các nhà máy, xí nghiệp đều đạt mức cho phép. Vì vậy, khi LĐ phát sinh BNN không được công nhận, vì môi trường bảo đảm. Điều này khiến ngành chức năng lúng túng khi xác định BNN cho LĐ. 
 
Đâu là giải pháp
 
Để khắc phục những hạn chế nói trên, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 (từ ngày 1- 31.5) với chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện LĐ và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”, tại tỉnh ta các hoạt động hưởng ứng tập trung ở các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người LĐ.
 
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người LĐ trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng người LĐ. 
 
Người lao động làm việc tại các mỏ đá dễ phát sinh bệnh nghề nghiệp.
Người lao động làm việc tại các mỏ đá dễ phát sinh bệnh nghề nghiệp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn nhấn mạnh: Các ngành, địa phương cần tăng cường triển khai Luật ATVSLĐ, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến DN, LĐ; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các DN và LĐ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các DN cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ, tăng cường đầu tư, trang bị các phương tiện bảo hộ và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người LĐ, nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất ATVSLĐ, hạn chế tai nạn LĐ, BNN.
 
Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, người LĐ cũng phải nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình trong việc được bảo đảm ATLĐ, yêu cầu DN cung cấp bảo hộ LĐ, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe, được hưởng các chế độ LĐ nặng nhọc, độc hại theo quy định...
 
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng góp phần chấn chỉnh, đôn đốc, nhắc nhở các chủ DN củng cố, kiện toàn hội đồng bảo hộ LĐ, mạng lưới an toàn viên và triển khai kế hoạch bảo hộ LĐ, các biện pháp ATLĐ, cải thiện điều kiện LĐ, phòng ngừa tai nạn LĐ và BNN cho người LĐ...
Chỉ có 21 DN triển khai khám BNN
 
Hằng năm, hầu hết các DN ở tỉnh ta chỉ khám sức khỏe định kỳ, không khám phân loại bệnh, phát hiện BNN theo quy định. Đơn cử như tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2019, chỉ có 21 DN triển khai khám BNN, với số lượng trên 6.000 LĐ. Thậm chí, DN nợ BHXH, LĐ cũng không được giải quyết chế độ BNN. Những bất cập này khiến ngành chức năng, DN lúng túng, còn người LĐ thì chịu thiệt.
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
     
                                                                                                                                     
 
 
 
 

.