Vinatex Đức Phổ: Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động

10:03, 05/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đi vào sản xuất từ giữa năm 2016, Công ty May Vinatex Đức Phổ có khả năng tạo việc làm cho 1.200 công nhân địa phương, khả năng xuất khẩu mỗi năm 1,5 triệu sản phẩm.

TIN LIÊN QUAN

Vinatex Đức Phổ khởi công xây dựng vào tháng 7.2015 trên diện tích hơn 4ha tại Cụm công nghiệp Phổ Hòa, với tổng vốn đầu tư trên 42 tỷ đồng. Tháng 6.2016, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Trong giai đoạn 1, Vinatex đưa vào hoạt động 16 chuyền may, chuyên sản xuất áo jacket xuất khẩu và sản phẩm vải dệt thoa; doanh thu dự kiến mỗi năm hơn 100 tỷ đồng.

Cán bộ Vinatex Đức Phổ hướng dẫn công nhân thao tác trên thiết bị may công nghiệp.
Cán bộ Vinatex Đức Phổ hướng dẫn công nhân thao tác trên thiết bị may công nghiệp.


Giám đốc Vinatex Đức Phổ Nguyễn Thành An cho biết: "Nhà máy vừa ký kết với đối tác xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng khá lớn. Toàn bộ nhà máy hoạt động hết công suất thì đến tháng 5.2017 mới hoàn thành khối lượng theo đơn hàng". Ông An so sánh: "Đúng thời điểm này năm trước, nhà máy vô cùng khó khăn. Nhà xưởng ngổn ngang, công nhân không an tâm làm việc, vì những chính sách chưa phù hợp. Còn nay, dây chuyền chạy đều. Lương và các chính sách khác của họ nhà máy trả đúng, đủ”.
 

"Công ty May Vinatex Đức Phổ cần tuyển khoảng 900 công nhân có tay nghề (4,2 triệu đồng/tháng); công nhân đào tạo 300 người (phụ cấp 1,8 triệu đồng/tháng); thợ sửa chữa máy may 3 người (4,5 triệu đồng/tháng); kỹ thuật may 10 người (6 triệu đồng/tháng); chuyền trưởng 10 người (6,5 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, Vinatex Đức Phổ hỗ trợ cơm trưa và tiền xăng đi lại 5.000 đồng/người/ngày; đối với công nhân nhà xa từ 15km trở lên hỗ trợ tiền thuê nhà trọ khoảng 300.000 đồng/người/tháng".
Giám đốc Vinatex Đức Phổ NGUYỄN THÀNH AN

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, ở xã Phổ Hòa, là một trong những công nhân gắn bó với nhà máy từ những ngày đầu đi vào hoạt động, cho hay: "Môi trường làm việc tốt, chính sách đãi ngộ công nhân hợp lý. Đi làm gần nhà, có điều kiện gần gũi chăm sóc gia đình, lương ổn định, mình thấy thoải mái hơn đi vào miền Nam làm công nhân may trong các khu công nghiệp".

Mỗi tháng nếu không tăng ca chị Nhung thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Ngoài lương còn được hỗ trợ ăn trưa, tiền xăng khoảng 300.000 đồng/tháng. Do không phải tốn tiền thuê nhà, lại ăn uống cùng với gia đình, bữa trưa ăn trong nhà máy, nên mỗi tháng chị Nhung tích lũy được khoảng 3 triệu đồng. Khi chưa có nhà máy Vinatex Đức Phổ, chị Nhung làm công nhân may ở TP.Hồ Chí Minh. Lương khoảng 5 triệu đồng, nhưng thuê nhà, ăn uống cộng với chi phí khác, hầu như không có dư. Chị Nhung cho rằng, điều thiếu thốn, thiệt thòi nhất khi làm ở trong miền Nam là phải xa gia đình, người thân. Còn nay, nhà máy gần nhà, hết ca là về với cha mẹ, con cái, sum vầy bên mâm cơm trong không khí gia đình ấm cúng, hạnh phúc".

Năng lực tạo công ăn việc làm của Nhà máy Vinatex Đức Phổ hiện tại khoảng 1.200 công nhân. Song do mới đi vào hoạt động, nên việc thu hút lao động cũng gặp không ít khó khăn. Hiện tại, nhà máy mới chỉ có 330 lao động làm việc; còn thiếu gần 900 chỉ tiêu nữa. Cán bộ của nhà máy đang tỏa về các xã trong huyện Đức Phổ tuyên truyền, vận động người dân vào nhà máy làm việc, đồng thời đưa ra chính sách đãi ngộ thỏa đáng.



Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.