(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trên địa bàn tỉnh”, giai đoạn 2015 - 2020 của UBND tỉnh, Công an tỉnh cùng các ngành, hội đoàn thể đã có nhiều cách làm hay để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng này có việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tiếp sức hoàn lương
Theo đại diện Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có trên 5.000 người CHXAPT. Hằng năm, Công an tỉnh đều chỉ đạo, hướng dẫn công an các huyện, thành phố thực hiện tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người CHXAPT và phối hợp với địa phương tổ chức dạy nghề, tư vấn pháp luật cho phạm nhân đã và sắp CHXAPT. Từ đó, công an các huyện, thành phố đã thực hiện nhiều mô hình giúp họ có việc làm ổn định.
Anh Phạm Thanh Châu, ở xã Ba Động (Ba Tơ), ổn định cuộc sống nhờ “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương”. |
Triển khai từ năm 2017, mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” do Công an huyện Ba Tơ phối hợp với UBND xã Ba Động thực hiện đã giúp nhiều người CHXAPT tại địa phương xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Sau hơn 2 năm triển khai mô hình, 4 thành viên được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đất ươm cây.
Anh Phạm Thanh Châu, ở thôn Suối Loa, xã Ba Động chia sẻ: "Tôi rất cảm động trước sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và Công an huyện. Các anh thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp tôi tiêu thụ keo. Đến nay, diện tích vườn ươm keo giống, keo giâm hom của tôi có hơn 1ha, mang lại thu nhập khá ổn định cho gia đình".
Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình mang lại hiệu quả, như mô hình “Tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Nghĩa Hành, với hoạt động tặng bò, tiền làm chuồng trại để người CHXAPT có điều kiện phát triển kinh tế; hỗ trợ sách vở, xe đạp cho con của người CHXAPT hay Câu lạc bộ hội viên cựu chiến binh tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật ở cộng đồng khu dân cư của Hội Cựu chiến binh xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh)...
Bên cạnh đó, Ngân hàng NN&PTNT các huyện, thành phố và Ngân hàng CSXH tỉnh cũng tạo điều kiện cho nhiều người CHXAPT vay vốn, với số tiền từ 15- 20 triệu đồng/ hộ để phát triển kinh tế gia đình.
Trợ giúp pháp lý
Ngoài việc cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tái hòa nhập cộng đồng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh còn phối hợp với ngành LĐ - TB&XH, Hội Luật gia tỉnh tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người sắp và đã CHXAPT; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức chương trình giao lưu "Thắp sáng ước mơ hoàn lương"...
Những năm qua, nhiều cơ quan, hội đoàn thể đã tích cực tạo điều kiện để người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình như Hội Luật gia tỉnh, định kỳ hằng năm đều tổ chức tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phạm nhân sắp CHXAPT tại Trại giam Công an tỉnh, với nội dung về quyền và nghĩa vụ sau khi CHXAPT trở về địa phương. Hội còn phối hợp với công an các huyện, UBND các xã tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho các đối tượng đã CHXAPT về cư trú tại địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hà Văn Huy cho biết: "Việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ các thủ tục pháp lý, cũng như định hướng nghề nghiệp cho người CHXAPT trở về cộng đồng có ý nghĩa thiết thực, giúp họ ổn định tâm lý, xóa bỏ mặc cảm.
Tuy nhiên, để tập trung được các đối tượng sau khi CHXAPT đến nghe tuyên tuyền, phổ biến pháp luật là điều rất khó khăn. Do đó, để việc tái hòa nhập cộng đồng cho người CHXAPT hiệu quả, các địa phương, hội đoàn thể ở cơ sở cần quan tâm hơn nữa, nhằm tạo niềm tin, điểm tựa để giúp họ làm lại cuộc đời".
Cộng đồng trách nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), Thượng tá Huỳnh Ngọc Dũng cho biết: Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, nên đa số những người CHXAPT chưa xóa án tích đều chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có khoảng 80% có việc làm. Thời gian đến, UBND các xã, phường, thị trấn cần thường xuyên phối hợp với công an xã lập hồ sơ quản lý, theo dõi để kịp thời hỗ trợ các đối tượng này. Đồng thời, mong các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ việc làm cho người được đặc xá, người CHXAPT, nhằm giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, ngăn ngừa tái phạm". |
Bài, ảnh: H. THU