Người chiến binh quả cảm

08:08, 27/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Rất nhiều đồng đội nằm lại ở chiến trường, tôi may mắn sống sót, nên phải sống sao cho xứng đáng”, cựu chiến binh Phạm Khắc Tâm, ở thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN

Anh dũng trong kháng chiến

Sắp bước sang tuổi 70, nhưng ông Tâm vẫn không sao quên được một thời mưa bom bão đạn. Ngày đó, khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh xã Tịnh Hiệp. Là một trong những chiến sĩ nhỏ tuổi có tinh thần cách mạng cao, những năm 1974- 1976, ông Tâm được cử đi học văn hóa ở Trường Cấp hai huyện Sơn Tịnh. Dù ở nơi nào, làm bất cứ việc gì trong ông lòng yêu nước vẫn luôn dâng trào.

Ông Tâm kể lại: "Khoảng thời gian này hết sức gian truân. Được nhà trường tin tưởng giao chức Phó Bí thư Chi đoàn trường, tôi cùng các bạn vừa học, vừa tham gia cõng gạo, cõng đạn để phục vụ  cách mạng...".

Ông Phạm Khắc Tâm vẫn luôn giữ vững tinh thần của người lính Bộ đội Cụ Hồ, góp sức vì sự phát triển của quê hương.
Ông Phạm Khắc Tâm vẫn luôn giữ vững tinh thần của người lính Bộ đội Cụ Hồ, góp sức vì sự phát triển của quê hương.
Những năm sau đó, ông Tâm nhập ngũ ở Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5, rồi tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Năm 1980, ông Tâm học sĩ quan ở Trường Sĩ quan Lục quân II, đến năm 1981 ông trở lại làm nhiệm vụ ở đất nước Chùa Tháp. Suốt 4 năm trên nước bạn, ông cùng với đồng đội đã chiến đấu anh dũng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Năm 1985, trong một lần đi triển khai nhiệm vụ tác chiến, ông Tâm dẫm phải mìn, bị thương rất nặng.

Xung kích trong thời bình

Năm 1986, ông Tâm trở về quê hương với cơ thể không còn lành lặn. Dẫu vậy, ông vẫn luôn hướng trái tim về đồng đội, về cuộc sống ngày mai tươi đẹp. “Đến bây giờ nhìn lại cả chặng đường tôi đã đi qua, gian khó, ngọt bùi đều nếm trải. Nhớ nhất những ngày nhịn đói hành quân, nhớ tiếng chuyện trò của anh em đồng đội mà nước mắt chực trào. Đồng đội ngã xuống, hy sinh trước mặt tôi, họ còn rất trẻ. Tôi được sống tiếp đến bây giờ, thì phải sống sao cho xứng đáng”, ông Tâm trải lòng.

Với mức thương tật 81%, nhưng ông Tâm vẫn tích cực đóng góp vì sự phát triển của quê hương. Từ năm 1987 đến nay, ông Tâm đã kinh qua rất nhiều cương vị ở địa phương. Từ Chủ nhiệm HTX mua bán; Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Danh; Phó Chủ tịch Hội CCB xã, đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã và từ năm 2012 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã. Ở bất cứ cương vị nào, ông vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chẳng những tích cực tham gia công việc của địa phương, ông Tâm còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Ông phát triển chăn nuôi bò, heo, gà với số lượng hàng trăm con; ông còn trồng 8 sào lúa, đậu phụng và 1ha keo. Nhờ đó, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, nuôi 4 người con học đại học. Các con của ông đều có công việc làm ổn định.

Với những thành tích đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, ông Tâm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.
 
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 

.