(Báo Quảng Ngãi)- Cơn bạo bệnh ập đến cướp mất thị giác và thính giác, khuôn mặt biến dạng, sức khỏe tiều tụy khiến bà Tôn Thị Thu, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) như gục ngã. Nhưng bằng nghị lực của bản thân, bà Thu đã vươn mình đứng dậy bằng chính đôi chân mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều phận đời đồng cảnh ngộ.
Xưởng sản xuất đũa, tăm tre của bà Thu (55 tuổi) nằm lọt thỏm trong căn hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, TP.Quảng Ngãi. Pha lẫn trong tiếng máy làm đũa là tiếng cười nói vui vẻ của những phận đời khó khăn...
Phải sống!
Một ngày đầu năm 2001, khi sắp đến kỳ sinh nở, cơ thể bà Thu phát ra những cơn đau, rồi nhanh chóng tan biến. Khi ấy, bà Thu nghĩ là do con gái út quấy. Nhưng rồi, ngày bà nhập viện để sinh con cũng là ngày “giông tố” ập đến. Kết quả khám bệnh được vị bác sĩ thông báo ngắn gọn: “Chị bị u não cần phải điều trị gấp!”.
Lời vị bác sĩ vừa dứt, bà Thu thấy trời đất quay cuồng trước mặt. Nhưng những lời động viên của chồng, các y bác sĩ cùng những cái đạp thình thịch trong bụng của cô con gái út khiến bà choàng tỉnh. “Phải sống, phải sinh con rồi mới được chết”, bà Thu tự nói với lòng. Một ngày sau, bà Thu bước vào phòng sinh trong tâm thế: Cứu con. Tiếng cô con gái út khóc oe oe vang lên sau hơn một giờ chờ đợi làm ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.
Bà Tôn Thị Thu động viên các công nhân đang làm việc tại xưởng của mình. |
Bệnh tình trở nặng, bà Thu được gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh điều trị. Ba năm lấy giường bệnh làm nhà, cơn thập tử nhất sinh đã qua, nhưng di chứng trong quá trình điều trị đến nỗi người thân trong nhà cũng không thể nhận ra khi bà xuất viện trở về. Bà Thu bảo: Xe về đến đầu ngõ, từ xa tiếng con trẻ vọng ra. Nhưng tôi chưa kịp gọi tên, thì các con sợ hãi chạy trốn khi nhìn thấy hình hài của mẹ quá khác. Tôi cố gọi các con lại để ôm từng đứa sau ba năm xa cách, nhưng không đứa nào dám lại gần.
“Từ ngày sinh cháu cho đến lúc về là tròn 3 năm. Ba năm không nhìn thấy mặt con. Ba năm tôi từ 59kg chỉ còn 29kg. Có lúc đang điều trị phải ngưng thuốc, vì sức khỏe không đảm bảo. Tóc rụng hết, miệng méo, thị giác mất vĩnh viễn, tai thì bị điếc hẳn một bên. Đó là cú sốc mà đến giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn không khỏi rùng mình”, bà Thu tâm sự.
Bùn dưới chân, nhưng nắng ở trên đầu
Căn nhà vắng bóng chủ, nên dần hư hỏng, tài sản hết sạch. Để có cái ăn, ông Thanh vay mượn người thân mua chiếc xe ba gác chạy thuê. Còn bà Thu, những ngày đầu là... cố mường tượng lại trong đầu hình ảnh ngôi nhà, để định vị lối đi. Đó là giai đoạn mà bà nói rằng còn khó gấp trăm lần so với lúc sinh bé út. Dần dà, thời gian trôi qua, cuộc sống không nhìn thấy ánh sáng trở nên quen thuộc.
Trong một lần tập đi ở đầu ngõ, bà Thu nghe vọng lại từ loa truyền thanh nói về hoàn cảnh những người mù đang sinh hoạt tại Hội Người mù TP.Quảng Ngãi. Chỉ là giây phút thoáng qua, nhưng trong đầu bà lóe lên ý nghĩ: “Sao không tham gia vào hội? Vào đó, để học hỏi cách sống của người mù, có bạn để tâm sự, chia sẻ cùng nhau”.
Những tháng ngày sinh hoạt cùng những người đồng cảnh ngộ, biết những hoàn cảnh khốn khó hơn mình, nhưng vẫn lao động kiếm tiền nuôi sống bản thân đã giúp bà thêm niềm tin. Sau nhiều tháng được lãnh đạo hội hỗ trợ về thông tin việc làm, bà Thu quyết định tìm đến Hội Người mù tỉnh Quảng Nam để học nghề làm chổi trúc. Nghe vợ bàn chuyện vay tiền đi học làm chổi, ông Thanh thở dài: “Bà thế này thì ở nhà với các con và dưỡng bệnh. Tôi sẽ làm nhiều hơn để nuôi con, chứ vay tiền mà không làm được gì thì thêm nợ nần”.
Bà Thu tìm đủ cách để thuyết phục, cuối cùng ông Thanh cũng gật đầu đồng ý. Đưa 1 triệu đồng vay từ Hội Người mù TP.Quảng Ngãi cho người cháu giữ để cùng bà đi học nghề làm chổi và được cán bộ ở đây tận tình chỉ dạy, chỉ thời gian ngắn bà Thu đã tự tay làm được cây chổi như bà mong ước.
Trở về nhà cùng một cây chổi thành phẩm và ít nguyên liệu, bà Thu tiếp tục tháo cây chổi ra rồi lắp vào. Dần dà việc làm chổi của bà trở nên thuần thục. Những cây chổi thành phẩm lần lượt ra đời được bà con hàng xóm mua. Cầm những đồng tiền bán chổi trên tay, bà Thu mừng rơi nước mắt: “Không nhìn thấy tờ tiền mệnh giá bao nhiêu, nhưng hạnh phúc trong tôi lúc đó thì không thể diễn tả bằng lời”.
Ngoài mua nguyên liệu số nhiều, bà Thu tìm đến Hội Người mù TP.Quảng Ngãi “tuyển” lao động. Bằng một cái tâm sáng và niềm tin sắt đá, nên chỉ sau thời gian ngắn, những mảnh đời khiếm khuyết như bà đã biết làm ra những đồng tiền lương thiện và trở thành những người thợ lành nghề. Sau hơn 5 năm gắn bó với cây chổi trúc, bà Thu chuyển sang làm đũa. Trước khi đổi nghề, cả 6 người mù được bà cưu mang đều được bà truyền nghề, đến giờ ai nấy đều có công việc ổn định.
“Cuộc đời đã lấy đi của tôi nhiều thứ, nhưng cũng cho tôi không ít. Tôi muốn làm một điều gì đó để những người có hoàn cảnh như tôi có việc làm, để họ tự không còn thấy mình khuyết tật nữa”. Bà TÔN THỊ THU |
Điểm tựa cho những mảnh đời khốn khó
Sau thời gian học việc từ Hội Người mù TP.Đà Nẵng, những bó đũa ban đầu bà Thu làm ra được chính bà và con gái mang ra chợ Quảng Ngãi để giới thiệu. Thương hoàn cảnh của bà, Ban quản lý chợ dành cho một góc nhỏ gần cầu thang để bày biện sản phẩm. Dần dà, những khách hàng ở chợ giới thiệu những khách hàng sỉ đến với bà.
Khi công việc ổn định, bà Thu bàn với chồng mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm nhân công để những người có hoàn cảnh như bà có việc làm nuôi sống bản thân. Phương án đã xong thì rạng sáng ngày 9.2.2012, chợ Quảng Ngãi bất ngờ bị cháy, toàn bộ đũa và tiền tích lũy được cất ở chợ mất sạch. Bà Thu lại trắng tay...
Không nản chí, bà Thu bàn với chồng tiếp tục đi vay. Nhưng lần này lại không may mắn khi người tiêu dùng “lơ” sản phẩm do bà làm ra, vì câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm đang nóng lên. Đũa làm ra không bán được, 4 nhân công thất nghiệp. Không bỏ cuộc, bà Thu lại tiếp tục ra Đà Nẵng, tìm đến Trung tâm Hướng nghiệp việc làm để học cách làm đũa sạch sử dụng một lần.
Để chắc ăn, bà Thu mua máy đóng gói và máy chuốt đũa hiện đại chuyển hẳn sang sản xuất dây chuyền. Đồng thời, thuê một nhân công ở trung tâm về làm và dạy nghề cho những lao động khác. Lần này, những đôi đũa bà làm ra đã không còn “ế”.
Ngoài 4 lao động khiếm thị đang làm, bà Thu đến Hội Người mù TP.Quảng Ngãi tuyển thêm lao động. Bên cạnh đó, những phụ nữ nghèo thất nghiệp cũng được bà tạo công ăn việc làm. Đến nay, xưởng sản xuất đũa của bà Thu đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 người và hơn 15 người khác làm việc thời vụ, với thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Đã có 15 năm được bà Thu tạo việc làm, chàng thanh niên khiếm thị Vi Ngọc Dương, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) bộc bạch: "Nếu không có cô Thu giúp đỡ chắc tôi không thể có việc làm ổn định như bây giờ. Nhờ có cô Thu mà tôi thấy mình không còn khiếm khuyết nữa”.
Tổ trưởng tổ dân phố 16, phường Trần Hưng Đạo, Huỳnh Văn Kiện cho biết: Cuộc đời bà Thu trải qua nhiều sóng gió, nhưng bằng ý chí và nghị lực bà đã lo cho các con ăn học đàng hoàng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người đồng cảnh ngộ. Bà Thu là tấm gương vượt qua nghịch cảnh mà không phải ai cũng làm được.