(Báo Quảng Ngãi)- Với tập quán và điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Long thì việc xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch là rất khó khăn. Để khắc phục vấn đề này, thời gian qua, các cấp chính quyền của huyện đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phát huy nguồn vốn hỗ trợ
Được Ngân hàng Chính sách- Xã hội (NHCSXH) huyện Minh Long hỗ trợ cho vay 12 triệu đồng, vợ chồng anh Đinh Văn Long, thôn Tối Lạc Thượng, xã Long Mai đã đầu tư xây dựng công trình nhà vệ sinh. Những năm trước, gia đình anh Long nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, nên không có điều kiện xây dựng nhà ở cũng như các công trình phụ.
Anh Long cho biết: “Gia đình thoát nghèo được mấy năm nay rồi, nhưng Nhà nước vẫn tạo điều kiện để tôi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo bền vững. Tháng 6.2018, gia đình được vay 12 triệu đồng, cộng với 13 triệu đồng tiền tiết kiệm của vợ chồng, tôi đã xây nhà xí, nhà tắm cho gia đình, nên việc sinh hoạt rất thuận lợi và sạch sẽ”.
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách- Xã hội huyện, nhiều người dân ở huyện Minh Long đã đầu tư xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh. |
Người dân thôn Làng Trê, xã Long Môn rất phấn khởi khi được tiếp cận vốn vay từ các chương trình hỗ trợ của NHCSXH huyện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình và xây mới các công trình vệ sinh, nước sinh hoạt. Được hỗ trợ tiền từ tháng 6.2018, vợ chồng bà Đinh Thị Nghi đầu tư thêm 8 triệu đồng để xây dựng công trình vệ sinh trong nhà. Bà Nghi cho biết: “Ngoài công trình vệ sinh riêng của mỗi nhà, gia đình còn khoan thêm giếng. Cứ ba nhà hùn tiền lại rồi đóng một cái giếng và mua riêng mỗi nhà một cái mô tơ để bơm nước”.
Chủ tịch UBND xã Long Mai Lê Minh Thành cho biết: “Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường xung quanh, đảm bảo chất lượng cuộc sống của gia đình và trong khu dân cư”.
Điều kiện để xây dựng tiêu chí số 17
Với đặc thù của các xã miền núi, nên tiêu chí số 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp quan tâm. Để thực hiện có hiệu quả tiêu chí này, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, các cấp ủy, chính quyền huyện Minh Long đã tập trung quán triệt và thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay này. Phân công hội LHPN, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh vận động đoàn viên, hội viên thực hiện có hiệu quả tiêu chí môi trường, gắn với các phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, thanh niên xung kích tình nguyện vì cộng đồng; thành lập 5 tổ công tác phụ trách tuyên truyền, vận động nhân dân qua các cuộc hội nghị, họp khu dân cư.
Giám đốc NHCSXH huyện Minh Long Hồ Văn Nghĩa cho biết: “Tổng nguồn vốn cho vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện lên đến 6 tỷ đồng, triển khai ở hầu hết các xã. Đến nay, chúng tôi đã giám sát và hầu hết người dân các địa phương đều thực hiện đúng mục đích”.
Chủ tịch UBND xã Long Mai Lê Minh Thành cho biết thêm: “Việc người dân đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, nước sinh hoạt đã góp phần thực hiện hoàn chỉnh các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tiêu chí về môi trường của xã đã đạt hơn 80%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phân công các hội, đoàn thể giám sát chặt chẽ việc vay vốn, đồng thời tuyên truyền để người dân tiếp cận với các nguồn vốn mới”.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU