Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:03, 25/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các cấp, ngành trong việc triển khai chính sách dân tộc đầy đủ, kịp thời, nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

TIN LIÊN QUAN

Đời sống nâng cao


Vài năm gần đây, việc thực hiện các chính sách dân tộc đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng cao từng bước hoàn chỉnh, nhất là hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa, trạm y tế... Các chính sách dân tộc đã góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế ở vùng miền núi ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế đều phát triển; văn hóa - xã hội có những bước tiến đáng kể.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đã tạo thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi trong tỉnh. Ảnh: BS
Hạ tầng giao thông được đầu tư đã tạo thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi trong tỉnh. Ảnh: BS


Các chương trình, chính sách đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Bình quân mỗi năm, vùng miền núi của tỉnh giảm được 4,9% hộ nghèo. Đến nay, 6/6 huyện miền núi đã có quy hoạch phát triển giao thông vận tải; các tuyến đường đến các huyện miền núi cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện. Hầu hết các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã thông suốt.

Tỷ lệ dân sử dụng điện ở vùng đồng bào DTTS đạt trên 90%. Tất cả các huyện miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào được duy trì thường xuyên. Hiện 53% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có bác sĩ. Trên 80% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất nên quá trình phát triển bền vững của vùng dân tộc, miền núi của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững”.


Trưởng Ban Dân tộc tỉnh NGUYỄN ĐỨC ON

Đòn bẩy từ chính sách

Những kết quả trên là nhờ trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Nổi bật là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, thông qua chính sách này, hơn 99 nghìn người DTTS được hỗ trợ muối i-ốt, giống cây trồng như mít, bơ sáp, tre lấy măng, dừa xiêm và tiền mặt... với kinh phí trên 9,1 tỷ đồng.

Người dân được hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở thuộc khu tái định cư Mang Cành, Sơn Trung (Sơn Hà).
Người dân được hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở thuộc khu tái định cư Mang Cành, Sơn Trung (Sơn Hà).


Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS nghèo triển khai kịp thời, bao gồm cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm y tế... Thông qua việc thực hiện các chính sách về phát triển sản xuất, trình độ sản xuất, canh tác của người dân đã nâng lên rõ rệt và biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện miền núi. Một số địa phương xây dựng nhiều mô hình thí điểm trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả và đã nhân rộng.

Điển hình là huyện Sơn Hà, từ một huyện xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, đến nay vùng cao này đã từng bước khởi khắc. Từ các nguồn vốn Chương trình 30a, 135 và Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên... Sơn Hà đã đầu tư cây, con giống, máy móc cho các hộ, nhóm hộ gia đình, để phát triển sinh kế. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hàng chục công trình hạ tầng giao thông, trường học... Huyện cũng đã và đang triển khai nhiều mô hình kinh tế, đồng thời liên kết với doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Sơn Hà đã vào siêu thị Big C, đem lại thu nhập, ổn định đầu ra trong sản xuất cho nông dân.

Còn huyện Trà Bồng cũng đã có bước tiến rất dài về kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện, hạ tầng đô thị. Riêng năm 2018, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện là trên 146 tỷ đồng. Hệ thống giao thông đường bộ của Trà Bồng phát triển nhanh, với 100% tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã và 80% tuyến đường về các thôn trong huyện đã được bê tông kiên cố...


Bài, ảnh: TRÍ PHONG


.