(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, nhiều người khuyết tật (NKT) trong tỉnh đã nỗ lực vượt lên số phận để hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, chặng đường mưu sinh, lo toan cho cuộc sống gia đình đối với những con người kém may mắn này vẫn còn đầy ắp những khó khăn, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Niềm vui của người khuyết tật
Ông Trịnh Công Lý, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) tự mình đến nhà văn hóa xã trên chiếc xe lăn. Ông Lý điều khiển xe lăn vào đường tiếp cận dành cho NKT, mà không phải nhờ người trợ giúp như lúc trước. Không giấu được niềm vui, ông Lý nói: “Tôi bị khuyết tật vận động, hai chân teo không đi lại được, nên phải di chuyển bằng xe lăn.
Lâu nay, ở những nơi công cộng ít có đường tiếp cận, hoặc công trình phụ dành cho NKT, nên chúng tôi rất ngại khi đến những nơi này. Tuy nhiên, nay được cơ quan chức năng tạo điều kiện xây nhà văn hóa có đường tiếp cận dành cho NKT, tôi rất phấn khởi và mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đối với NKT”.
Người khuyết tật học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. |
Đầu năm 2018, Hội NKT tỉnh đã triển khai xây dựng các công trình tiếp cận dành cho NKT ở Nhà văn hóa xã Hành Nhân và Nhà văn hóa thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức (Nghĩa Hành), với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng, từ nguồn của Ủy ban Quốc gia về NKT.
Ngoài 2 công trình nói trên, xã Hành Đức và Hành Nhân còn tiên phong đầu tư xây dựng các công trình tiếp cận cho NKT ở các nhà văn hóa, nhà tránh lũ. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải cho biết: Xã đã trích kinh phí 400 triệu đồng để làm các công trình tiếp cận cho NKT, như đường đi, nhà vệ sinh, tay vịn ở 4/5 nhà văn hóa thôn và 3 nhà tránh lũ... NKT có quyền bình đẳng trong xã hội và rất cần sự động viên, hỗ trợ để họ tự tin và có điều kiện hòa nhập với cộng đồng. Do vậy, việc loại bỏ những trở ngại đối với NKT khi đến với những công trình công cộng là điều nên làm.
"Theo Thông tư 21/2014 do Bộ Xây dựng ban hành, các công trình công cộng phải đảm bảo cho NKT tiếp cận. Tuy nhiên, ở tỉnh ta hiếm có công trình công cộng nào đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để NKT tiếp cận. Mong muốn chung của NKT là, các chủ công trình, cơ quan quản lý công trình công cộng khi tiến hành xây dựng phải tuân thủ các nội dung của Bộ Xây dựng về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho NKT. Đây là điều kiện cần thiết để NKT hòa nhập và vươn lên trong xã hội".
|
Đào tạo nghề và giới thiệu việc làm
Trong những năm qua, tỉnh ta chú trọng thực hiện công tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho NKT. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì số lượng NKT được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm còn quá ít.
Người khuyết tật tự tin di chuyển trên phần đường dành cho xe lăn ở Nhà văn hóa xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). |
Tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đến nay đã mở được 14 lớp đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho hơn 130 học viên, với các nghề như thêu vi tính, may công nghiệp, tin học... Trung tâm cũng đã tích cực liên hệ với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho NKT và đã có gần 50 học viên có việc làm.
Tổ trưởng tổ nghề của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn Vũ Hà Bích Điệp cho biết: NKT dù khiếm khuyết về mặt cơ thể, nhưng tinh thần, ý chí của họ rất mạnh mẽ, nếu xã hội quan tâm động viên, giúp đỡ, thì họ sẽ vươn lên trong cuộc sống. Trung tâm luôn sẵn sàng tiếp nhận, đào tạo nghề miễn phí cho NKT. Sắp đến, trung tâm sẽ thành lập xưởng may, thêu gia công, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho NKT.
Toàn tỉnh hiện có hơn 50 nghìn NKT, nhu cầu học nghề của NKT là rất lớn. Chủ tịch Hội NKT tỉnh Trần Tuấn Kiệt cho biết: Trong thời gian đến, Hội NKT tỉnh sẽ khảo sát, lập danh sách và hỗ trợ vốn giúp NKT tự tin phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, rào cản đối với NKT vẫn còn nhiều, nên rất mong cộng đồng, xã hội hãy quan tâm giúp đỡ họ vượt qua mặc cảm bản thân để hòa nhập với cộng đồng.
Bài, ảnh: HIỀN THU