Những chính sách mới trong đào tạo nghề

10:11, 24/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 30 kèm theo quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm (GQVL) trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh về chính sách này. Đây là trợ lực để việc ĐTN bám sát nhu cầu thị trường lao động, cân bằng giữa cung- cầu trong ĐTN và GQVL.

TIN LIÊN QUAN


Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng

Thời gian qua, một số cơ sở ĐTN trong tỉnh đã thực hiện tốt mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp (DN). Hiệu quả mang lại từ mô hình này là người học có điều kiện cọ xát với thực tế. Nhà trường đào tạo nguồn lao động (LĐ) chất lượng, DN tiếp nhận nguồn LĐ có tay nghề theo nhu cầu.

 

Các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh phải thường xuyên đổi mới trong chương trình đào tạo, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh phải thường xuyên đổi mới trong chương trình đào tạo, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.


Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô hình ĐTN theo "đơn đặt hàng" của DN. Bình quân mỗi năm nhà trường nhận hơn 10 đơn đặt hàng của các DN. Trên 95% sinh viên tốt nghiệp của trường có việc làm và có thu nhập ổn định. Năm 2017, trường đã cung ứng cho thị trường trên 3.000 LĐ có tay nghề, trong đó có 2/3 số LĐ có tay nghề bậc cao cho các DN trong và ngoài tỉnh.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất Nguyễn Hồng Tây cho biết: Trong ĐTN, chúng tôi mời chuyên gia của các DN đến để tham gia triển khai chương trình đào tạo theo yêu cầu và đánh giá sản phẩm sau đào tạo. Chính sự gắn kết giữa nhà trường và DN, nên sản phẩm đào tạo của trường phù hợp với nhu cầu, DN không phải đào tạo lại. Với người học nghề, sau khi tốt nghiệp đã được DN tiếp nhận và bố trí việc làm.

Quảng Ngãi hiện có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, cùng các trung tâm dạy nghề của các huyện, thành phố. Tuy nhiên, so với yêu cầu việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh thì công tác ĐTN vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng, ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của DN, chưa gắn với công tác GQVL; thiếu công nhân lành nghề ở các lĩnh vực then chốt, dẫn đến tình trạng LĐ vừa thừa vừa thiếu... Trong khi đó các DN cần nhân lực lại không tuyển dụng được.

“Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 30 sẽ tăng cường liên kết giữa nhà nước, DN, cơ sở ĐTN và người học nghề; là phương thức đổi mới công tác quản lý nhà nước về ĐTN, giải quyết việc làm. Tỉnh hỗ trợ để DN chủ động đào tạo gắn với nguồn LĐ cần sử dụng. Như vậy, giữa cơ sở ĐTN và nhà tuyển dụng đã có tiếng nói chung về mặt chiến lược nhân lực. Đây là hướng đi mới trong thực hiện công tác xã hội hóa  ĐTN và GQVL của Quảng Ngãi”.


Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH NGUYỄN TẤN ĐỐI


Trợ lực từ Quyết định 30

Theo Quyết định 30, từ ngày 1.8.2018 đến 31.12.2020, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ cho các DN để ĐTN cho học sinh, sinh viên (HS, SV) trình độ cao đẳng, trung cấp theo từng năm học. Chính sách này chỉ hỗ trợ cho HS, SV có hộ khẩu tại Quảng Ngãi, học nghề tại các trường nghề trong tỉnh và các DN đóng trên địa bàn tỉnh. DN được nhận hỗ trợ phải ký kết hợp đồng LĐ ít nhất là 36 tháng đối với người LĐ đã qua lớp học nghề theo quy định này.

“Chính sách này góp phần hỗ trợ nguồn lực cho DN. Nhà trường được tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo,  đồng thời tăng cường định hướng nghề nghiệp cho HS, SV. Người học được tiếp cận ngay công nghệ hiện đại và nhà trường có thêm nguồn kinh phí để đào tạo”, Phó Phòng nhân sự Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Lưu Thanh Tùng nói.

Hiện nay, mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và DN đã cải thiện. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì mối quan hệ này vẫn còn mang tính tự phát. Các cơ sở dạy nghề chưa có thông tin đầy đủ từ DN về nhu cầu số lượng, cơ cấu ngành nghề, kỹ năng của LĐ mà DN cần có. Ngược lại, DN cũng chưa có đầy đủ thông tin về năng lực đào tạo của nhà trường. Vì vậy, Quyết định 30 của UBND tỉnh sẽ khắc phục độ “vênh” giữa cơ sở ĐTN và DN.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc Nguyễn Tưởng Duy cho rằng: Chính vì ngân sách hỗ trợ cho DN đào tạo người LĐ chứ không phải hỗ trợ cho cơ sở đào tạo, nên trường sẽ điều chỉnh một số chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu thực tế của DN. Vì thế, nhà trường phải thường xuyên trao đổi với DN, đưa giáo viên đến DN để cập nhật nhu cầu nghề nghiệp đối với chương trình đào tạo.


Bài, ảnh: PV


 


.