(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để xây dựng nhà ở theo Quyết định 33 (QĐ), Chính phủ đã nâng mức cho vay từ 15 triệu đồng lên 25 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, qua thực hiện, việc giải ngân giữa các địa phương đã phát sinh nhiều bất cập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhu cầu vốn giữa các địa phương "vênh" nhau
Huyện Trà Bồng là địa phương đi đầu trong việc cho vay xây dựng nhà ở theo QĐ 33 của Chính phủ. Từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng đã giải ngân trên 2,6 tỷ đồng cho 107 hộ vay, nâng tổng dư nợ đối với chương trình này gần 7,7 tỷ đồng/308 hộ vay. Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng Võ Duy Hưng cho biết: “Đầu năm nay, tỉnh phân bổ cho huyện 500 triệu đồng, nhưng do nhiều người dân có nhu cầu, nên tỉnh phân bổ thêm hơn 2,2 tỷ đồng và đã giải ngân còn 75 triệu đồng”.
Mẹ con bà Võ Thị Hổi, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) vui mừng khi được ở trong căn nhà mới. |
Sở dĩ Trà Bồng có doanh số cho vay theo QĐ 33 cao là do nhiều hộ dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện trong việc hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ đối với những hộ thuộc diện di dời đến các khu tái định cư.
Huyện Ba Tơ lũy kế cho vay đến tháng 9.2018 trên 1 tỷ đồng (42 hộ vay), Tây Trà 1 tỷ đồng (40 hộ), Sơn Hà 950 triệu đồng (38 hộ)... Huyện Tư Nghĩa cũng là địa phương duy nhất trong các huyện đồng bằng đã giải ngân hết 500 triệu đồng được giao. Đồng thời, tiếp tục xin thêm 200 triệu đồng để giải ngân cho 8 hộ nghèo có nhu cầu vay làm nhà ở.
Các huyện đồng bằng còn lại đến nay không giải ngân được nguồn vốn theo QĐ 33, vì người nghèo không có nhu cầu vay. Ngân hàng CSXH tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, thu hồi vốn ở những địa phương không có nhu cầu để giao lại cho các địa phương khác có nhu vốn.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Mùa mưa năm nay, 3 mẹ con bà Võ Thị Hổi (82 tuổi), thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) sẽ không còn lo sợ cảnh nhà dột, hoặc sụp đổ, cũng không phải chạy lụt khi mùa mưa bão đến, bởi bà đã có một căn nhà mới vững chãi. Bà Hổi chia sẻ: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ thêm 20 triệu đồng nên tôi mới dám làm nhà, chứ nếu chỉ có tiền vay thì không đủ”.
Theo đề án phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 6.120 hộ thuộc diện đối tượng hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, sửa chữa, nâng cấp nhà ở theo QĐ 33 của Chính phủ, với tổng số tiền trên 294,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi tín dụng 153 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác, như huy động từ Quỹ Vì người nghèo, từ người thân, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, toàn tỉnh mới có 1.182 hộ vay, với tổng số tiền đã giải ngân trên 29,3 tỷ đồng. Con số này quá “vênh” so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân, do từ khi triển khai đến nay, phần lớn hộ nghèo trong tỉnh chỉ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này, còn các nguồn hỗ trợ khác thì rất ít hộ được nhận, nên không đủ kinh phí để làm nhà kiên cố. Do đó, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố.
Bài, ảnh: HỒNG HOA